Pages

Wednesday, June 29, 2016

Phần 1: Định nghĩa cơ bản về kỹ nữ cũng như các yếu tố xung quanh nghề này.




Kỹ nữ trong lịch sử nước ta 
Như đã hứa với mọi người đây là bài viết của mình về kỹ nữ trong lịch sử Việt Nam
Để thực hiện được bài này mình đã phải khảo cứu số tài liệu thuộc loại nhiều kỷ lục
Các tài liệu mình dùng trước hết là cuốn sách lịch sử kỹ nữ của tác giả Từ Quân và Dương Hải, cuốn sách này là cuốn sách của Trung Quốc nói về lịch sử kỹ nữ của Trung Quốc, tuy nhiên với sự đồng chủng đồng văn của các nước Á Đông cộng với quá trình ảnh hưởng văn hóa qua lại của 2 nước Việt-Trung trong suốt triều dài lịch sử thì cuốn sách này hoàn toàn có thể dùng làm 1 phần tư liệu cho bài viết của mình
Ngoài ra danh mục tài liệu tham khảo cho bài còn có
9 bộ sử của nước ta (khi bài viết ra phần 2 mình sẽ nêu )
Cùng các tác phẩm văn học, tùy bút, ký của các tác giả cùng thời (Cũng tương tự như trên )


I) Định nghĩa cơ bản về kỹ nữ cũng như các yếu tố xung quanh nghề này 
Có thể nói mại dâm là một nghề nghiệp thuộc loại cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại, các ghi chép, hình ảnh về hoạt động này được tìm thấy từ ít nhất cách đây 3000 năm TCN
Trong bộ luật cổ xưa nhất của nhân loại, Bộ luật Hammurabi (Được tạo ra vào khoảng năm 1760 TCN) cũng đã nhắc đến nhưng hình thái được coi là mại dâm
Các văn bản đất nung có tuổi thọ gần 1500 năm TCN tìm tại Lưỡng Hà cũng đã nhắc tới kỹ nữ làm việc trong quân đội
Trong truyền thuyết cũng như kinh sách của các tôn giáo lớn trên thế giới đều ít nhất 1 lần nhắc tới kỹ nữ và hoạt động mại dâm
Bài viết của mình sẽ viết về kỹ nữ từ khoảng thời gian lấy mốc là nhà Tiền Lê tới quãng năm 1930


1) Định nghĩa về kỹ nữ 
Với quan niệm hiện nay của chúng ta “Kỹ nữ” thường là danh từ dùng để chỉ những người làm trong hoạt động mại dâm
Định nghĩa như thế có đúng không?
Vừa đúng vừa không, trước hết đúng là kỹ nữ có dính tới hoạt động mại dâm nhưng không phải là hoàn toàn 100% cũng như không phải đó là tiêu chí nghề nghiệp hàng đầu của kỹ nữ
Khác với hiện nay quan điểm của người xưa về kỹ nữ rất khác
Trong tác phẩm “Lịch sử kỹ nữ” tác giả Từ Quân và Dương Hải có viết thế này:


Nhìn từ từ nguyên, kỹ nữ hoàn toàn không phải là phụ nữ lấy việc bán dâm làm nghề nghiệp, mà vốn làm việc ca múa. Như Thuyết văn giải tự nói "Kỹ là vật dùng nhỏ của phụ nữ”. Đoàn Ngọc Tài chú "Nay tục thường dùng chữ nữ kỹ", Trương Tập thời Ngụy giải thích Kỹ là "gái đẹp". Thiết vận của Lục Pháp Ngôn thời Tùy nói "Kỹ là nữ nhạc". Các sách Chính tự thông, Khang Hy tự điển về sau cũng giải thích Kỹ là "nữ nhạc".

Nữ nhạc thời cổ thường dùng chỉ phụ nữ dung mạo xinh đẹp, giỏi ca múa âm nhạc. Như Quản tử, Khinh trọng giáp nói "Vua Kiệt ngày xưa có ba vạn nữ nhạc, sáng ra tấu nhạc vang tới đường cái". Diêm thiết luận, Lực canh nói "Thời vua Kiệt nữ nhạc đầy cung, áo xiêm thêu thùa lộng lẫy. Cho nên Y Doãn qua đời lâu năm, thì sau cùng nữ nhạc làm mất nước".


Lại chữ Kỹ 妓 ( 女 nữ +支chi) 


Thời cổ dùng thông với các chữ Kỹ 伎 ( 人nhân + 支 chi), 



Và chữ Kỹ 技 (手 thủ + 支 chi). 





Như Tân Đường thư, Nguyên Tải truyện "Danh xu dị kỹ (kỹ = nhân + chi), tuy cấm trung bất đệ" (Kỳ nữ danh kỹ, tuy trong cung cấm cũng không xa). Thư, Thái thệ viết "Vô tha kỹ (kỹ = thủ + chi)” (Không có tài gì khác). Thích văn "Vốn cũng dùng làm chữ kỹ (nhân + chi)". Chữ Kỹ ở đây chính là chỉ tài nghệ của kỹ nữ trong âm nhạc vũ đạo và các môn nghệ thuật giải trí, Kỹ (nhân + chi) là kỹ năng ca múa và người luyện tập những kỹ năng ấy.


Chữ Kỹ 妓 ( 女 nữ +支chi)



Và chữ Kỹ 伎 ( 人nhân + 支 chi),

Thời cổ còn dùng thông với các chữ:


Xướng 娼 ( 女 nữ + 昌 xương)


Và chữ Xướng 倡 ( 人 nhân + 昌 xương) 


cũng chỉ phụ nữ theo làm việc ca múa nghệ thuật. 

Như Hậu Hán thư, Lương Ký truyện "Trong phủ đệ có nhiều xướng kỹ, đánh chuông thổi sáo, ca hát rộn rã". Cựu Đường thư, Thiên Trúc quốc truyện nói "Trăm họ thích nhạc, nhà có xướng kỹ".

Ngoài ra, từ tình hình sử dụng từ Kỹ nữ sớm nhất mà nhìn thì cũng dùng chỉ phụ nữ làm nghề ca múa nghệ thuật. Như Hậu Hán thư, quyển 64 Lương Thống truyện phụ Lương Ký viết "Nhân đi trên đường, bắt kỹ nữ về hầu”. Hậu Hán thư, quyển 72, Tế Nam An vương Khang truyện chép "Lúc (Lưu) Thố làm Thái tử, thích kỹ nữ đánh trống thổi sáo Tống Nhuận, sai thầy thuốc Trương Tôn gọi tới"
Từ đó có thể thấy, ý nghĩa đầu tiên và ý nghĩa hiện đại của từ "kỹ nữ" khác nhau rất xa, là chỉ một loại phụ nữ chủ yếu theo làm việc nghệ thuật âm nhạc ca múa để mua vui cho người khác, bán dâm hoàn toàn không phải là nghề chính của họ.

Ý nghĩa hiện đại của từ "kỹ nữ" chủ yếu là chỉ loại thị kỹ (kỹ nữ ở thành thị) đem bán thân xác của mình đánh đổi lấy tiền của khách chơi. Nó manh nha từ thời Đường Tống, định hình trong thời Minh Thanh. Tạ Triệu Chiết thời Minh trong Ngũ tạp trở nói "Hiện nay kỹ nữ đầy rẫy thiên hạ, ở các đô hội lớn có tới hàng ngàn hàng vạn, còn ở các châu nhỏ huyện xa thường thường cũng có. Suốt ngày dựa cửa đón khách, bán dâm để sống, sinh kế tới mức ấy, kể cũng đáng thương!". Đúng là hiện tượng ấy từ giữa thời Minh trở đi rất thịnh hành, mới khiến "bán dâm" đồng nghĩa với ”kỹ nữ".


Đoạn trên là định nghĩa của tác giả về Kỹ nữ, công trình nghiên cứu này là về kỹ nữ của Trung Quốc tuy nhiên như mình đã nói với sự đồng chủng đồng văn, cũng như ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa Việt-Trung suốt thời gian dài, thì định nghĩa trên có thể hoàn toàn áp dụng vào nước ta được
Ví dụ tác phẩm “Sơn cư tạp thuật” (Khoảng những năm 1780) có nhắc tới kỹ nữ, nguyên gốc một đoạn chữ Hán của nó như thế này, mình xin trích dẫn:
我國從前娼妓多聚京師軍房
Tạm dịch là:
Nước ta trước đây đĩ điếm phần nhiều tụ tập ở kinh thành và quân doanh….

Mặc dù dịch ra thì gọi là “đĩ điếm” cho nó quen với người đọc hiện nay nhưng 2 từ được dùng trong đoạn văn gốc chữ hán chính là 娼 妓- Xướng Kỹ
Ngoài ra mình còn tìm được trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch Triều hiến chương loại chí, An Nam chí lược…. bản chứ Hán cách dùng từ cũng y hệt như vậy. Có điều do mình không thể chụp ảnh nguyên gốc văn bản được mà trên mạng không có bản chữ Hán nên chỉ có thể cắn răng nói suông mong mọi người thứ lỗi
Cách hiểu về kỹ nữ bao gồm cả những người làm nghề xướng ca, đàn hát mua vui bên cạnh những người bán dâm vẫn còn tồn tại tới tận thế kỷ 20, trong các tác phẩm văn học, báo chí…những năm 30-40 của thế kỷ 20 vẫn còn ghi chéo mà ở đây hẳn có người đã đọc
Một ví dụ cụ thể mình xin lấy trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài
“Đào hát, đào rượu
….
Cho đến sau này thú vui ả đào tao nhã thời các cụ không phải đã mất hẳn. Mà bao giờ cũng thế, cô đào hát và chú kép đàn vẫn là chủ trò đêm hát. Bài hát và khổ đầu được khách và chủ nhà trả tiền, thưởng tiền như những người đi làm ăn công việc tử tế và làm giỏi thì được khen. Cô đào hát cầm lá phách và chú kép đàn hát cho nhiều nhà trong một đêm. Rồi người đào hát về nhà, chồng con yên ấm. Hoặc cô ấy đầu mày cuối mắt với khách làng chơi nào, ấy là chuyện trăng gió riêng tư của người ta.

Khác những cô đào rượu – “Cô đầu, cô đít, cô đuôi. Quan viên cạn túi, ai nuôi cô đầu”, ấy là vè kể về cô đầu rượu. Chủ nhà hát bỏ ra số tiền cọc buộc chân cô đầu rượu ở nhà hát, chẳng khác thuê con sen, con nhài. Sắm cho manh quần lụa trắng, cái áo hàng tơ, đôi guốc “phi mã” sơn then cao gót. Cô đào rượu không biết hát, không bận đến việc hát xướng. Cô chuyên việc bắt nhân tình hờ với khách hát và sửa soạn màn gối khách nghỉ đêm. Và chung chăn với khách đêm ấy nếu khách có lòng và có tiền, mà bây giờ gọi là tiền boa.

Không ham hố mấy đâu, khách chơi rất ngại nằm với đào rượu. Vì các cô chỉ là gái điếm không đóng môn bài. Mà gái điếm lậu là một ổ vi trùng bệnh hoa liễu. Nhà thổ ở Hàng Mành ngõ Yên Thái, ngõ Sầm Công đi khách đóng thuế, mỗi tuần vào nhà “Lục xì” khám hai lần (nhà “Lục Xì” chỗ bệnh viện C bây giờ, cổng ra vào đằng xế cửa tòa án). Lời ca ủ ê: “Hôm nay thứ bảy anh ơi! Ngày mai chủ nhật, phiền tôi lục xì…”, mang tiếng nhảm nhí đi nhà thổ, nhưng lại ít lo bị đổ tim la, lậu, như chung chạ với đào rượu nhà cô đầu.

Thế mà cũng có nhà hát không có cô đào rượu. Có lẽ làng chơi khắp Đông Dương chỉ có một nhà hát bà ký Đường ở Vũ Tiên dưới Thái Bình như thế. Nguyễn Khắc Mẫn đã viết truyện ngắn “Bà ký Đường” đăng báo “Ngày Nay”. Cũng có lần tôi theo ông Dương làng tôi lúc bấy giờ làm trùm du côn bếnxe Thái Bình đến nghe nhà hát ấy. Ông ký Đường mắt kém, ngồi đàn, bà ký tóc đã hoa râm. Cô con gái hát phụ với mẹ, người mỏng như cái lá tre. Xong mấy khổ hát, khách về. Không cảnh chè chén chầu chay, chầu mặn và khách chơi vầy vò đào rượu nghiêng ngả thâu đêm.

Nhưng mà xem ra cái sự tao nhã khô khan sênh phách như nhà hát bà ký Đường ở Vũ Tiên đã là chuyện cõi tiên từ lâu. Càng ngày càng có người đi nghe hát cô đầu, mà không biết đánh trống, không cần biết, vừa vào đã khép cửa, hô rượu uống quay thìa. Nghe lẩy mấy câu bồng mạc, sa mạc rồi mắc màn đi nằm với đào rượu. Gọi là cô đầu đường Cầu Giấy, cô đầu Vạn Thái nhưng không phải những phố ấy chỉ rặt nhà cô đầu. Nhà hát cũng như cửa hàng buôn, cạnh ngôi hàng tấm, hàng xén, hàng cơm. Cô đầu phố Khâm Thiên có tiếng nhất, ở đấy nhà hát và cửa hàng, cửa hiệu, lò khâu và hàng tạp hóa cũng chen tường nhau.

Những người đi chơi cứ tự sắp thứ hạng thế nào và chọn ra ở đâu là nhà hát sang trọng hay tồi tàn. Nhà hát sang nhất ở phố Khâm Thiên. Nổi tiếng nhà Đàm Mộng Hoàn, nhà Chu Thị Năm… Đến đấy, người giàu, tay buôn, tay chơi, mật thám, trùm bạc, chúa tể đầu trộm đuôi cướp, tiêu tiền ném qua cửa sổ. Cô đầu Ngã Tư Sở (hoặc gọi đùa Ngã Tư Khổ), chỉ có nhà hát ở dãy nhà bên đường Tàu Bay, đường Láng và cô đầu Vĩnh Hồ, Thái Hà, Vạn Thái, Hăm Bốn Gian cuối phố Huế, khách đông và tạp nham, mấy thầy ký sở tư, ông nhà văn, nhà báo đi che tàn, ông buôn nước bọt, ông giáo…
Bên Cầu Giấy, ô Kim Mã, ở phủ Hoài, ở Ba La Bông Đỏ, ở Gia Quất, Thượng Cát, nhà hát đón vét khách bên Hà Nội và khách quê, các ông chánh lý, các ông giáo hồ lơ có việc quan, việc thi cử phải về phủ huyện, các thợ mũ, thợ khảm, thợ cửi, các cậu bồi bếp… khách lái gỗ, lái dó đường ngược xuôi bè về, lên hát ở Bến Chèm. Cô đầu Chèm, ngày đi làm cỏ đồng, bắt cua, tối hát. Tiếng trống chầu trong nhà lá vọng xuống mặt nước nghe độp độp như dao chặt thịt gà.
…..”

Lại một truyện khác vẫn trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội”
“ Hát ả đào
….
Hát ả đào, một cô đào với một bộ phách. Phiến gỗ lim chữ nhật làm nền đã lên nước bóng như gụ, hai thanh tre cô đào cầm gõ. Tiếng phách đổ như mưa sa. Một đàn đáy, anh kép gảy nhịp cho câu hát, tiếng đáy tửng tửng mơ màng ngất ngư nử a say nửa tỉnh. Cái trống chầu với roi chầu của khách sành điệu. Nghe hát, tiếng trống thay lời, thưởng thức chỗ hay, nhắc nhở chỗ kém, tiếng trống chầu hoà vui, lẳng lơ tình tự, tâm sự…

Khi tôi vào tuổi thanh niên thì thú chơi này vẫn còn câu hát tiếng đàn có thể như xưa, nhưng rồi sau thêm món rượu ôm, cô đào rượu không biết hát thì ve vuốt khách như bia ôm. Bấy giờ, nhà hát đã rải khắp thành phố, mỗi vùng một đặc điểm theo khách chơi. Các nhà hát ả đào phố Hàng Giấy đã dọn cả xuống Khâm Thiên. Được tiếng nơi ăn chơi phong lưu nhất Hà Nội, chỉ ở phố Khâm Thiên mới nổi lên những đào hát tài danh: đào Mộng Hoàn, Chu Thị Năm, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc (bà Phúc mới mất mươi năm nay, bà Hồ đã trên tám mươi tuổi bị bệnh liệt). Không phải phố Khâm Thiên rặt nhà hát ả đào như có người tưởng, nhà hát chỉ lác đác, phần nhiều nhà có gác, còn hàng phố rải rác lò may, hàng gạo và hiệu ăn.

Tối tối, cô đào với túi phách, anh kép xách đàn, có tối hát một nhà, có khi hát nhận tiền bài chạy nhà này nhà khác, như ca sĩ “hát sô” các nhà hàng và tiệm nhảy bây giờ. Đào hát là người hành nghề tử tế, nếu cô đào hát mà nhân ngãi nhân tình hay nên duyên chồng vợ với ai là đời riêng của người ta.

Mỗi nhà hát nuôi cả chục cô đào rượu. Phần đông gái trong làng ra lạc bước vào đây. Son phấn bôi bệch bạc, áo hồng áo tím hở sườn, chân dép guốc nhưng gót còn nứt nẻ miếng.

Lên đèn rồi, khi nhà hát có khách vào hát thì cô đào rượu ra khép cửa. Mỗi quan viên được bà chủ chứa khéo ghép với một cô đào rượu. Việc của cô đào rượu ấy là: trò chuyện, quạt mát (còn hiếm quạt máy), ngồi mâm ăn rỗ mồi, hầu rượu, giải chiếu mắc màn và nằm với khách, nếu khách ở lại qua đêm.

Các nhà hát mà thêm đào rượu cũng do người đi chơi. Khi đó đi chơi nhiều và tạp, không còn thú thanh tao. Trước kia chỉ có khách thạo chơi, bây giờ khách đông mà đủ loại, nhiều người không biết đánh trống chầu. Tôi cũng chưa cầm roi chầu bao giờ. Chỉ toàn đi theo hát “che tàn”. Nhà hát có khách, khép cửa lại, quan viên chẳng trống phách gì, đợi thức nhắm về, đánh chén, rượu quay thìa vừa ngả ngốn với đào rượu vừa nghe cô đầu ngâm mấy câu Kiều lẩy, bài sa mạc, rồi sai mắc màn đi ngủ.
…”

Như vậy có thể thấy cách hiểu về nghề kỹ nữ của cha ông ta so với Trung Quốc hay Hàn-Nhật cũng khá giống nhau và tương đối xuyên suốt qua thời gian chỉ tới những năm 50 của thế kỷ 20 do biến động xã hội cũng như văn hóa, tư duy con người biến đổi thì đặc tính nghề nghiệp cũng như cách hiểu về nghề kỹ nữ mới dần thành ra như hiện nay.

2) Phân loại kỹ nữ 



Cứ chiếu theo cuốn sách “Lịch sử kỹ nữ” thì tác giả đã chia kỹ nữ ra làm rất nhiều dạng khác nhau dựa theo đặc tính, điều kiện, hoàn cảnh xã hội, văn hóa, lịch sử….
Ví dụ như chia theo Tiêu chí nghề nghiệp thì chia làm Doanh kỹ-quan kỹ…, theo kỹ năng thì có Nhạc kỹ-ca kỹ…, theo tiêu chí hoạt động thì có tọa kỹ-lưu kỹ…



Tuy nhiên đó là phía Trung Quốc còn lịch sử Vn do hạn chế tài liệu cũng như chưa có một thống kế nghiên cứu cụ thể nào đồng thời cũng do hạn chế của năng lực cá nhân nên mình chỉ có thể đưa ra một số phân loại và nhận xét như sau:
- Nước ta không có lịch sử kỹ nữ hoành tráng, lâu đời như TQ cũng như 0 có hệ thống tổ chức, kỹ thuật…công phu phức tạp như của TQ
- Sự phát triển của kỹ nữ cần dựa vào một yếu tố rất quan trọng là sự phát triển của hệ thống đô thị-thành thị và như chúng ta đã biết đô thị của VN không phát triển sớm, mạnh và lớn như TQ
- Vì vậy tổng hợp tài liệu mình chỉ có thể phân chia kỹ nữ trong lịch sử VN thành các loại như dưới đây theo các tiêu chí khác nhau



- Theo tiêu chí kỹ năng:
+)Ca kỹ: Tác giả cuốn lịch sử kỹ nữ thì chia phức tạp hơn nhưng do đặc tưng của LSVN nên mình chỉ bó gọn lại thành ca kỹ để chỉ chung những phụ nữ kiếm sống bằng việc bán tài nghệ như múa hát, gảy đàn, thi ca. Dĩ nhiên những người này không bị coi khinh như kỹ nữ bán dâm, cũng không bị gọi một cách khinh miệt mà thường được gọi là con hát, ca công, ca nương…số phận của họ nhìn chung không hẩm hiu gian truân quá, thêm nữa trong quan niệm dân gian họ cũng không tới nỗi bị xếp cùng hạng với kỹ nữ bán dâm.
+) Dục kỹ :Kỹ nữ bán dâm, khỏi cần nói chắc mọi người cũng hiểu rồi




- Theo tiêu chí nghề nghiệp:
+) Cung kỹ: Kỹ nữ được nuôi và hoạt động trong cung
+) Quan kỹ: Kỹ nữ nuôi và hoạt động thuộc quan lại địa phương .Nhiệm vụ chủ yếu của họ là cung cấp lạc thú cho trưởng quan ở địa phương, phải biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca vũ âm nhạc trong những yến tiệc do quan phủ mở ra để đãi khách...
+) Gia kỹ : Kỹ nữ nuôi và hoạt động tại tư gia bởi quan lại, quý tộc, người giàu có
+) Thị kỹ: Kỹ nữ ở đô thị công khai phục vụ tình dục hoặc thưởng thức nghệ thuật cho khách chơi, để lấy sự thù lao bằng tiền bạc vật chất.
- Theo tiêu chí chính trị thì có:
+) Công kỹ : Kỹ nữ thuộc quản lý của chính quyền
+) Tư kỹ: Kỹ nữ thuộc quản lý của tư nhân 




- Theo tiêu chí tổ chức, trong cuốn lịch sử kỹ nữ thì họ chia ra tới 12 loại nhưng theo tài liệu của VN thì mình chỉ gom thành 4 loại:
+) Kỹ nữ bán đứt: là chỉ con nhà nghèo bị cha mẹ anh em bán vào kỹ viện hoặc bị bọn buôn người bán cho kỹ viện làm kỹ nữ. Vì văn tự bán mình nằm trong tay chủ chứa kỹ viện nên họ cũng như Tôn Hành Giả bị dán bùa, đã không được tự do, mà cả sự sống chết cũng chỉ còn cách dựa vào mệnh trời, thường bị chủ chứa kỹ viện ngược đãi, đánh đập, tất cả đều do chủ chứa sắp xếp và quản thúc.

+) Kỹ nữ Gán nợ: còn gọi là kỹ nữ có kỳ hạn, là một loại kỹ nữ mại dâm gán nợ cho kỹ viện. Họ và chủ chứa có khế ước, theo đó lấy được một số tiền, lấy mình để thế chấp, làm kỹ nữ ở kỹ viện trong một thời gian nhất định. Trong kỳ hạn ấy thì cũng giống như kỹ nữ bán đứt, phải tùy ý chủ chứa kỹ viện quản thúc và sắp xếp, không được tự do về mặt thân thể. Có thể nói đây là một loại kỹ nữ có tính chất nửa tự do.


+)Kỹ nữ Trừ nợ: là loại kỹ nữ vì nghèo mà phải đem thân thể gán cho kỹ viện để trừ nợ. Kỹ nữ Trừ nợ lập khế ước với chủ chứa kỹ viện, do chủ chứa bỏ tiền ra, kỹ nữ và chủ chứa đã giao ước thời gian bán dâm trong kỹ viện, có trách nhiệm trích từ thu nhập trả tiền cho kỹ viện. Họ được đãi ngộ khá hơn kỹ nữ Bán đứt, kỹ nữ Trừ nợ rất nhiều được giữ tiền riêng cho mình (Nôm na như cách hiểu hiện nay là tiền boa của khách) , ngoài ra khoản tiền khách trả ngoài 1 phần được chia cho chủ chứa họ cũng được lĩnh 1 phần


+)Kỹ nữ Tự do là loại kỹ nữ tự do thân thể, như không có chồng, có thể tự mình làm chủ, hoàn lương lấy chồng, người khác không được can thiệp. Thu nhập của học chỉ phải chia một chút cho chủ chứa và đối tượng khác còn lại là cho họ


Ngoài ra còn có một đối tượng nữa mà mình rất băn khoăn không biết có nên đưa vào hay không đó là Doanh kỹ- các kỹ nữ phục vụ trong quân đội để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc của binh lính, ở TQ loại hình này rất phổ biến, các nước đồng văn với nước ta như Triều Tiên-Nhật cũng từng có theo quy mô lớn nhỏ, tuy nhiên suy đi tính lại cuối cùng mình quyết định không đưa vào vì các tài liệu mình có hiện nay chưa có bất kỳ thông tin nào đáng tin cậy và đủ thuyết phục là loại hình kỹ nữ này có tồn tại ở nước ta, mặc dù trong quân đội thời phong kiến rất phổ biến từ Á sang Âu.
Dĩ nhiên các cách phân loại trên mang tính tương đối nhưng cũng cho thấy một phần lịch sử

3) Nguồn gốc kỹ nữ tại nước ta 


Về vấn đề khác thì có thể không như nhau nhưng riêng về nguồn gốc kỹ nữ thì lịch sử khắp thế giới cho thấy gần như kỹ nữ có nguồn gốc giống hệt nhau
Bất kể Đông -Tây-Âu-Á kỹ nữ đều từ 3 nguồn mà ra
- Tù nhân: những phụ nữ bị bắt về từ các cuộc chiến tranh, chinh phục, cướp bóc giữa các quốc gia, lực lượng quân sự, thế lực cát cứ…
- Bị sung công: Quan lại, chính quyền bắt các phụ nữ trong gia đình kẻ tội phạm làm kỹ nữ
- Buôn người: bị bắt cóc đem bán cho kỹ viện hoặc tự bán thân, tự thỏa thuận với kỹ viện làm kỹ nữ

4) Kỹ viện và hoạt động của nó 

Thực sự thì vè tổ chức kỹ viện của nước ta rất ít được nhắc tới trừ các tài liệu văn thơ…của thời cận đại quãng thế kỷ 16 trở lên thì thảng có nhắc tới còn lại thời trước thì mình không tìm thấy gì đáng kể cả
Xét về quy chế của cung kỹ-quan kỹ thì cũng không có gì khó hiểu vì họ đều thuộc quản lý của vua chúa-chính quyền nên đại loại các kỹ nữ này sẽ có biên chế gần như các thị nữ, người hầu, đồng thời cũng cần chú ý cung kỹ-quan kỹ phần lớn là dạng ca kỹ chứ không phải dục kỹ vì để thỏa mãn nhu cầu tình dục của vua chúa - quý tộc- quan lại thì đã có cung tần-thê thiếp

Ngược lại thị kỹ có cách tổ chức cơ bản như sau

Chủ chứa -> Các tay chân như đám Ma cô dắt khách- vệ sĩ- đám buôn người...-kỹ nữ- những người hầu hạ lặt vặt cho kỹ nữ và kỹ viện (Cái này tùy điều kiện)

Những điều trên mình tổng hợp từ các sách như Sơn cư tạp thuật"-Tang thương ngẫu lục-truyền kỹ mạn lục thời Lê Trung Hưng cùng một vài bút ký, tiểu thuyết của các nhà văn trong khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, dĩ nhiên nó chỉ tiết lộ rất ít thông tin về tổ chức của kỹ viện nước ta những mình cố chắt ra những cái chung nhất để viết,
Mình còn nghĩ hoạt động của kỹ viện các nơi trên thế giới căn bản cũng theo mô hình trên VN không có gì quá mức biến thiên trong lịch sử nên hẳn cũng như vậy 

Trên đây là phần đầu về bài viết kỹ nữ của mình, mình đã cố hết sức có thể trong phạm vi tài liệu hạn hẹp mình có

Tuy nhiên phần 2 mới là phần mất công nhất và tới giờ mình cũng chưa làm xong bởi số tài liệu quá lớn cần xem xét  bởi vậy mọi người hẳn phải chờ phần 2 lâu hơn 1 chút (Có khi quá Tết)
Bởi vậy mình xin cung cấp dàn ý phần 2 luôn cho các bạn
Phần 2 sẽ đi sâu vào chi tiết kỹ nữ trong lịch sử nước ta qua các thời
Tiền Lê-Lý-Trần-Hậu Lê- Nguyễn tới chính xác năm 1858 hoặc 1910 (Cái này mình còn chưa quyết vì chưa giới hạn nổi tài liệu)
Mỗi phần về các thời mình sẽ cố trình bày và phần tích các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của kỹ nữ của nước ta
Tạm thời là thế

No comments:

Post a Comment