Pages

Friday, July 8, 2016

Trang phục thời Lê Trung Hưng - quan lại - triều phục và công phục.

B) Trang phục quan lại thời Lê Trung Hưng

Trang phục quan lại thời Lê Trung Hưng có 3 lần sửa đổi 
Lần 1: vào năm 1661, dựa trên quy chế thời Lê Sơ đặt định quan phục, quy định rõ trang phục khi vào chầu vua và chúa
Lần 2: năm 1721 Tham tụng Nguyễn Công Hãng dựa vào quy chế y phục cuối Minh - đầu Thanh đặt định chế độ y phục
Lần 3: năm 1725 Quy định lại Triều phục (Chỉ Triều phục thôi) quay về quy chế năm 1661

Trước năm 1721 các quan chức thời Lê Trung Hưng có 3 dạng trang phục: 
- Triều phục: có vai trò gần như là Lễ phục - Công phục (Xem phần quan lại thời Lê Sơ) dùng vào các ngày lễ lạc lớn của quốc gia, cũng dùng lúc trên triều các ngày mùng 1 và ngày rằm, quy chế Triều phục này dành cho lúc vào chầu vua lẫn Chúa
- Thường phục, mặc vào các buổi thường triều lúc vào chầu vua
- Thị phục là trang phục mặc lúc vào chầu, hội kiến công việc trong phủ Chúa, thực tế Thường phục và Thị phục là 1, vua thời Lê Trung Hưng chỉ là cái bóng trong cung cấm, không có thực quyền hay trọng trách gì cho nên các quan cũng chả có mấy việc để mà vào chầu vua, theo đó thường phục cũng rất ít được dùng

1) Triều phục - Công phục

1.1) Mũ Phốc đầu - Dương Đường

Qua bức Vua Lê thiết triều tranh vẽ của Samuel Baron ta có thể thấy rõ các quan khi lên triều mặc triều phục vẫn là mũ Phốc đầu với Bổ phục điểm khác biệt duy nhất là quy chế Bổ tử trên bổ phục 


Tranh vẽ của Samuel Baron 


Dưới đây là bảng so sánh quy chế Bổ tử trên Bổ phục các năm 1500 - 1661 -1725 trong sách Ngàn năm áo mũ


Nhìn chung quy chế triều phục - Công phục vẫn không có gì biến đổi quá mức 
Sắc phục vẫn lấy màu đỏ là quý nhất, thứ đến là màu xanh và huyền

Triều phục căn bản vẫn là mũ Phốc đầu kết hợp với Áo có Bổ Tử, chỉ khác nhau ở chủng loại và hình thức màu sắc
Hoàng tử, thân vương, hoàng thái tử, vương thế tử, vương tử đội mũ Dương Đường, mặc áo có Bổ tử Kỳ Lân, ( Bổ tử Kỳ lân xin xem phần trang phục quan lại Lê Sơ)
Riêng mũ Dương Đường là loại mũ có hình dáng giống hệt mũ Phốc đầu chỉ ngoại trừ việc trên mũ trang sức hoa văn Dương Đường và mũ cao hơn so với Phốc đầu thường thôi


Tranh vẽ phục dựng mũ Dương Đường trong sách Trang phục triều Lê - Trịnh



Hiện vật mũ Phốc đầu Lê - Trịnh trong sách Trang phục triều Lê - Trịnh, mũ Phốc đầu thời này vẫn tuân thủ cách thiết kế là làm bằng sa hoặc the đen, được nạm vàng bạc trang sức trên thân mũ, cách thức làm mũ này còn được duy trì tới hết thời Nguyễn 

Ngoài ra nếu căn cứ theo các tư liệu như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ có viết: "Nguyễn Khản đỗ tiến sĩ, được ban yến ở Lễ bộ đường, quan Tư đồ Nguyễn Nhiễm đang làm thị lang bộ Lễ, tự tay gài bông hoa cho con, đương thời truyền tụng"

Việc cài trang sức hoa bạc lên mũ của những người đồ Tam khôi, hoàng giáp, tiến sĩ vốn là hình thứ lễ nghi được duy trì rất lâu dài trong khối các nước Á Đông theo Nho giáo 
Các thời trước ở nước ta chưa khảo cứu được có quy chế này hay không, chỉ có bài thơ của Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán thời Trần là nhắc tới :" Tuấn sĩ quan nga sáp ngự hoa" (Trên mũ cao của người hiền sĩ tuấn tú cài nhành hoa vua ban) 

Riêng về thời Lê Trung Hưng theo Lê triều hội điển thì quy chế cắm cành hoa bạc lên mũ như sau
Trạng Nguyên: hoa bạc 9 nhánh nặng 9 tiền
Bảng nhãn: 8 nhánh nặng 8 tiền
Thám hoa: 7 nhánh nặng 7 tiền 
Hoàng giáp: 6 nhánh nặng 6 tiền
Đồng tiến sĩ 5 nhánh 5 tiền 

Tục lệ này duy trì tới hết thời Nguyễn


Ảnh trong sách Ngàn năm áo mũ từ trái qua phải, ngự hoa trên mũ của tiến sĩ Triều Tiên - Ông thám hoa cầm cành hoa trong sách Kỹ thuật của người An Nam - Tiến sĩ thời Nguyễn cài hoa bạc (Ảnh : Albert Kahn)

1.2) Các loại triều phục khác
Mặc dù loại triều phục xuyên suốt nhất vẫn là Phốc đầu - Bổ phục tuy nhiên vẫn có các dạng triều phục khác được xuất hiện dùng trong một trường hợp nhất định
Triều phục Ô Sa

Trong quy chế triều phục năm 1661 trong Lê triều chiếu lệnh thiện chính có nói: "Hoàng tử, vương tử được phong tước quận công đội mũ Ô Sa có chỉ đen đột nổi, triều phục dùng màu đỏ, trực lĩnh, Bổ tử hình Hổ báo, dây thao kép có ngọc, đeo kiếm. Các chức cai quản, cai đội có tước quận công đội mũ Ô Sa, triều phục dùng màu đỏ, trực lĩnh, bổ tử hình voi, dây thao kép, đeo kiếm (...) Con cháu của quan văn được tập ấm khi vào chầu nhận nhiệm vụ đội mũ Ô Sa đơn dạng, áo Thanh Cát có lót"

Năm 1721 về cơ bản triều phục cũng như năm 1661 

Tổng kết lại mũ Ô Sa thời Lê Trung Hưng có 3 dạng
- Mũ Ô Sa chỉ đen đột nổi
- Mũ Ô Sa thường mặc với Bổ phục
- Mũ Ô Sa đơn dạng mặc với áo Thanh Cát 

Triều phục Lương Cân đen

Theo quy chế năm 1661 và 1721 hoàng tử, vương tử chưa được phong tước khi vào chầu đều đội mũ Lương Cân đen, mặc áo the đen
Lịch triều hiến chương loại chí còn cho biết một trong những quy định về chất liệu tạo mũ hoàng thân, vương thân năm 1720 "Mũ mùa xuân - mùa hè dùng lông đuôi ngựa, mùa thu - mùa đông dùng đoạn màu huyền"
Chính vì hay được dùng vào ngày nóng nên mũ này mới có tên gọi là Lương cân 粱巾 (Có nghĩa là mũ mát)

Hiện vật mũ Lương cân 


Đội lên đầu trông nó sẽ như thế này


Nhân vật Ngô Dụng trong Thủy Hử (Bản phim 1996) đội Lương cân

Dĩ nhiên Lương cân cho các quan lại thân vương chắc chắn sẽ có chất liệu tốt hơn được trang sức nhiều vàng bạc hơn.

Triều phục giải trãi ( 獬廌冠 - Giải trãi quan)
Giải trãi theo tương truyền là giống sinh vật thần thoại thân như kỳ lân nhưng chỉ có 1 sừng giữa trán , có tính cách ngay thẳng, chính trực, phàm gặp kẻ gian tà thì lấy sừng húc
Vì thế các triều đại thường dùng hình tượng Giải Trãi chế vào mũ áo đặc biệt là các quan giữ chức vụ liên quan tới hình luật để nhằm nhắc nhở sự ngay thẳng công bằng.
Ở Trung Quốc từ thời Hán đã chế ra mũ Giải Trãi tiếp tục duy trì đến tận thời Tống, 2 triều Minh - Thanh không dùng 
Tại nước ta từ thời Lý theo sử liệu nhà Lý học từ nhà Tống du nhập chế độ mũ triều phục bao gồm mũ Lương quan (Tiến hiền), Giải Trãi, Điêu thiền nhà Trần vẫn tiếp nối, mũ Giải trãi theo kiểu thời Tống thực tế là mũ Lương quan có gắn thêm một chiếc sừng con Giải Trãi nhỏ bằng vàng bạc lên trán mũ, tuy nhiên không có ghi chép cụ thể về loại mũ Giải Trãi 2 triều Lý - Trần, Thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng cũng như thời Nguyễn mũ Giải Trãi vấn tồn tại, có điều mũ Giải Trãi thời Nguyễn chỉ là kiểu mũ Phốc đầu gắn sừng giải trãi chứ không phải như dạng các thời trước (Cái này sẽ nói sau)
Riêng về hình dáng mũ Giải Trãi thời Lê Trung Hưng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục:" Pháp quan đều dùng Giải Trãi (Tức pháp quan dùng mũ và bổ tử có Giải Trãi)"

Trong Ức Trai di tập Nguyễn Trãi có làm thơ tăng quan Ngự sử họ Hoàng có câu :"Mũ Giải Trãi cao cao mặt tựa sắt"
Trong Vũ trung tùy bút Phạm Đình Hổ cũng viết:" cha ta từng làm hiến sát Nam Định và tuần phủ Sơn Tây, trong tráp cất một chiếc mũ Phốc đầu và một chiếc mũ Giải Trãi, hồi nhỏ trong khi đùa nghịch, ta thường lấy ra đội, thích nhất là mũ Giải Trãi, có cấm cũng không được"

Tổng hợp lại, triều phục Giải Trãi thời Lê Trung Hưng vẫn là kiểu mũ như thời Lý Trần học của nhà Tống tức là mũ Lương quan có sừng Giải Trãi bằng kim loại quý gắn trên trán mũ, điểm khác biệt là mũ này mặc cùng với Bổ phục có Bổ tử cũng có hình con Giải Trãi 


Hình phục dựng mũ Giải Trãi trong sách Trang phục triều Lê - Trịnh của họa sĩ Trịnh Quang Vũ, chú ý tới chiếc sừng Giả Trãi được vẽ trên trán mũ


Bổ tử hình Giải Trãi




Xin nói rõ một chút là do tính chất hành chính - chính trị khi đó ở nước ta vừa có vua vừa có Chúa, vừa có bộ máy quan lại của vua Lê, lại có cơ cấu hành chính - quan chức của phủ Chúa, dù vua Lê chả có quyền hành gì nhưng có lúc vẫn phải thực hiện các quy tắc hành chính- chính trị cho hợp đạo lý, bộ máy quan lại rất cồng kềnh, phức tạp
Vì thế sinh ra việc triều phục thời Lê Trung Hưng khá rắc rối, nhiều loại triều phục được dùng cùng một lúc với nhiều chức năng, ví dụ như mũ Ô Sa có lúc dùng làm triều phục có lúc lại dùng làm thường - thị phục (Sẽ nói ở phần sau), có lúc vừa được dùng lại bỏ, có lúc lẫn giữa loại trang phục này với trang phục khác.

No comments:

Post a Comment