Wednesday, June 29, 2016

1) Kỹ nữ thời Tiền Lê (980-1009)

Phần 2) Kỹ nữ trong lịch sử nước ta
II) Kỹ nữ trong lịch sử nước ta

1) Kỹ nữ thời Tiền Lê (980-1009)
Xin giải thích một chút lý do tại sao mình chọn thời Tiền Lê đầu tiên bởi vì đây là lần đầu tiên khái niệm kỹ nữ được nhắc tới
Thực tế xét ra với tính chất lâu đời và vốn là một quy luật tất yếu của xã hội loài người thì ắt hẳn nghề kỹ nữ đã có mặt tại nước ta từ trước đó rất lâu, tuy nhiên do chưa có một tài liệu đáng tin cậy nào để khẳng định chi tiết này vậy nên chỉ xin phép dựa vào những gì được ghi chép thực tế thôi

Cũng xin nhắc lại một lần nữa cho mọi người rõ đó là kỹ nữ mà mình nhắc tới ở đây trong quan niệm xưa bao gồm cả những người lấy việc đàn hát mua vui làm sinh kế chứ không bán dâm, và dù về mặt lý thuyết những người này thuộc hạng kỹ nữ nhưng họ không bị coi khinh quá mức, thậm chí không bị coi là kỹ nữ, khác với những kỹ nữ bán dâm vốn bị rẻ rúng, khinh miệt

Sử liệu về thời Tiề Lê nhắc tới kỹ nữ có các đoạn sau:
Lần đầu tiên kỹ nữ được nhắc tới là trong Đại Việt sử ký toàn thư:
“Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982], ( Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 7 ).
Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém bê Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.”

Tiếp đo các tài liệu đời sau cũng khẳng định
Đại Việt sử lược thì ghi:
“Năm Nhâm Ngọ (tức năm 982- ND) là năm thứ hai niên hiệu Thiên Phúc3 vua lập Vương hậu 5 bà. Vua lại sai bọn Từ Mục đi sứ sang Chiêm Thành, bị vua nước ấy bắt giữ. Vua oán giận bèn tự làm tướng đem binh đi đánh, chém được vua Chiêm là Bế Mi Thuế ở tại trận. Bắt sống được quân giặc cắt tai không có thể đếm xuể. Bắt bọn cung nữ mấy trăm người.”
Việt sử tiêu án chép rằng:
“Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành. Trước có sai sứ sang nước Chiêm (sứ là Từ Mục và Ngô Tử Bữu) bị nước Chiêm bắt giư, Vua giận mới đánh nước Chiêm, chúa Chiêm bỏ thành chạy, Vua bắt được100 người kỹ nữ ở trong cung và một thầy tăng người Thiên Trúc, lại thu được vàng bạc và đồ quí trọng kể hàng vạn.”
Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi:
“Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982). (Tống, năm Thái Bình hưng quốc thứ 7).
Nhà vua tự mình cầm quân đi đánh nước Chiêm Thành: cả phá được quân địch.
Trước đây, nhà vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm Thành giam giữ. Nhà vua nổi giận; bèn sửa sang thuyền chiến và đồ giáp binh, tự làm tướng, đi đánh, chém được tướng nước ấy là Bề Mi Thuế tại trận và bắt được tù binh rất nhiều. Chúa Chàm bỏ thành chạy. Ta bắt được trăm người cung nữ và vàng bạc châu báu kể có háng vạn, san phẳng cả thành trì, phá hủy cả tông miếu; vừa đầy một năm mới về kinh đô.”




Trước đây đọc tới những ghi chép trên mình khá thắc mắc về việc tại sao lại có chuyện sách ghi là kỹ nữ, sách lại ghi cung nữ?
Giờ có thể khẳng định là những dòng ghi chép này đều nói về 1 đối tượng đó là lực lượng cung kỹ như mình đã phân tích ở phần 1
Như vậy có thể luận ra rằng ít nhất khi đó Đại Cồ Việt đã có đội ngũ cung kỹ và gia kỹ được nuôi riêng, đã có khái niệm về kỹ nữ nên người ta mới định danh được những cô gái bị bắt về từ cung Chiêm là kỹ nữ.
Một điểm thú vị nữa cũng muốn cung cấp thêm đó là qua các cuộc chinh phạt của Đại Cồ Việt với Chiêm Thành dưới thời Tiền Lê từ đó bắt đầug rộ lên thứ “Mốt” đó là các quý tộc, nhà giàu lấy thê thiếp, nuôi gia kỹ, là người chiêm, lại học các điệu hát múa của Chiêm Thành

Phù điêu vũ nữ Aspara, phát hiện tại Trà Kiệu-Quảng Nam các cung kỹ Chiêm Thành xưa hẳn cũng gần như thế này 


Sử liệu về kỹ nữ thời Tiền Lê chỉ có đến đây thôi, nhà Tiền Lê chỉ tồn tại có 30 năm, nhìn chung chưa có sự kiến tạo nào đủ lớn về mặt kinh tế lẫn văn hóa
Đặc biệt thành thị với đúng tính chất của nó chưa tồn tại trong thời kỳ này, Hoa Lư mới chỉ là dạng pháo đài quân sự kết hợp cung điện, Chu Khứ Phi là một tác giả người Tống khi đến Hoa Lư từng miêu tả đại ý rằng thành Hoa Lư được bố trí theo dạng một ngôi thành không có dân ở, bên trong có chỗ cho quan lại và quân lính ở cùng với cung điện, lính được cấp lương bằng thóc, trên trán thích chữ “Thiên tử quân”…dĩ nhiên cái nhìn của Chu Khứ Phi cũng có tính chất khinh miệt của 1 người từ “Thiên triều” tới nhìn đám “Man di” nhưng nó cũng cung cấp cho ta hiểu được quy mô cơ bản của kinh đô Hoa Lư 
Và cũng xin đừng lấy làm quái lạ hay vô lý vì mô hình này, bởi thực tế nó cũng rất giống mô hình một lãnh địa phong kiến ở Châu Âu thời Trung Cổ, 1 lãnh địa kiểu đó gồm lâu đài và thành quách của các lãnh chúa bao quanh là các làng mạc, Hoa Lư vào thời Tiền Lê cũng có thể so sánh tương tự như vậy, đồng thời thể chế chính trị thời đó của Đại Cồ Việt cũng là dạng phong kiên phân quyền đang dần thoát thai lên tập quyền cũng tương tự như ở Châu Âu nên sự giống nhau này có thể hiểu được 
Và vì chưa có hệ thống đô thị đúng nghĩa nên do đó thị kỹ cũng chưa xuất hiện một cách đúng nghĩa, thời kỳ này chỉ nổi bật với Cung và Gia kỹ

Một điểm khá thú vị là Lê Ngọa Triều vị hoàng đế bị coi là tàn bạo -hiếu sắc, nhưng các sử sách gần như không chép lại một chút nào về các hành động hiếu sắc của ông, cũng như không nhắc tới kỹ nữ dưới thời ông- những điều mà một hôn quân hiếu sắc hay làm, ngoài ra cũng xin cung cấp thêm một thông tin nữa là có thể Lê Ngọa Triều có mẹ đẻ chính là người Chiêm Thành.

Mẹ ông theo Đại Việt sử ký toàn thư chép lại thì có danh hiệu là Chi hậu diệu nữ hoặc sơ hầu di nữ, nếu đã là mẹ vua thì dù có thế nào ít nhất cũng được ghi lại danh vị nhưng mẹ Lê Long Đĩnh thì không, cộng thêm cái danh hiệu Sơ hầu di nữ thì có thể nghi ngờ mẹ ông là người Chiêm, vì các tác giả ghi chép Đại Việt Sử ký Toàn thư đều là các nhà Nho thấm đẫm hệ tư tưởng Hoa Di coi thường các sắc dân thiểu số cũng như các quốc gia không theo Nho học. Một trong những đối tượng “Di” mà các nhà Nho nước ta hay coi thường nhất chính là Chiêm Thành, bản thân ngay trong ĐVSKTT khi nhận xét về Lê Hoàn, các sử thần cũng có câu “…Vua phá Tống, bình Chiêm làm cả Hoa Hạ và Man di sợ hãi…” 
Dĩ nhiên những điều trên vẫn là giả thiết, và nếu giả thiết này là thật- tức là mẹ Lê Long Đĩnh là người Chiêm - thì cũng có thể đặt thêm giả thiết là mẹ ông xuất thân từ các cung kỹ bị Lê Đại Hành bắt về từ Chiêm sau võ công phá chiêm năm 982, Lê Long Đĩnh sinh năm 986, chỉ 4 năm sau khi bình Chiêm.

No comments:

Post a Comment