Mũ Phốc đầu
Quy chế triều phục của quan lại nhà Nguyễn có 2 lần sửa đổi lần 1 là vào năm 1804 đời vua Gia Long và năm 1845 đời vua Thiệu Trị, lần sửa đổi năm 1845 căn bản không thay đổi nhiều quy chế năm 1804 chỉ khác năm 1845 quy định chỉ quan lục phẩm trở lên mới được mặc triều phục.
Vì thế chỉ xin thống kê quy chế triều phục vào năm 1845 theo Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ
Tuy nhiên trước khi vào cụ thể mình xin đồ giải rõ một chiếc mũ Phốc đầu, về căn bản mũ Phốc đầu của nước ta qua các triều đại hình dáng không quá khác biệt, cái để phân biệt là các dạng hoa văn trang sức trên mũ, với nhà Nguyễn thì quan văn sẽ đội mũ Phốc đầu dáng tròn quan võ đội mũ Phốc đầu dáng vuông
Đồ giải mũ Phốc đầu nhà Nguyễn
1) Trang sức Bác sơn (còn gọi là khỏa kiều)
2) Hoa vàng
3) Giao long vàng
4) Khỏa giản vàng (còn gọi là hốt)
5) Cánh chuồn mũ đầu bọc vàng (Ở các cấp cao hơn thì viền cánh chuồn được bọc vàng) bề mặt trang trí giao long vàng như hình dưới đây
Đó là mặt trước còn mặt sau mũ (Ở đây mình xin phép dùng chiếc mũ khác)
1) Như ý vàng (Đây là chỗ dùng để cài cánh chuồn vào)
2) Nhiễu tuyến (Ở cấp dưới chỉ làm bằng the đen thôi nhưng đây là cấp cao nên được bọc vàng)
Cụ thể hơn quy chế đội mũ Phốc đầu triều phục cho các quan nhà Nguyễn năm 1845 như sau:
- Chính nhất phẩm: 1 Bác sơn vàng, nghạch tường cao 4 phân phía ngoài trổ hình giao long, 2 khoản giản vàng, phía trước 1 hoa vàng, 2 giao long vàng, phía sau 2 hoa vàng, 2 cánh chuồn viền bọc vàng, bề mặt trang sức long bỡn ngọc bằng vàng, đầu cánh chuồn đều sức vàng, 2 như ý và nhiễu tuyến vàng.
- Tòng nhất phẩm: như chính nhất phẩm nhưng ngạch tường cao 3 phân, trổ hình hoa, mặt mũ không có ngọc châu, đầu 2 cánh chuồn không sức vàng.
- Chính nhị phẩm: 1 bác sơn vàng, 2 khỏa giản vàng, phía trước 1 hoa vàng, 2 giao long vàng, phía sau 2 hoa vàng, 2 cánh chuồn viền bọc vàng bề mặt trang sức giao long, 2 như ý và nhiễu tuyến vàng.
- Tòng nhị phẩm: như chính nhị phẩm, chỉ khác là bỏ trang sức giao long ở mặt mũ.
- Chính tam phẩm: 1 bác sơn vàng, 2 khoản giản vàng, phía trước và sau có 1 hoa vàng, 2 giao long vàng, 2 cánh chuồn viền bọc vàng, 2 như ý và nhiễu tuyến vàng.
- Tòng tam phẩm: như chính tam phẩm nhưng bỏ 2 giao long vàng.
- Chính và tòng tứ phẩm: 1 bác sơn bạc, 2 khóa giản vàng, phía trước và sau đều 1 hoa vàng, 2 cánh chuồn viền bọc vàng, 2 như ý và nhiễu tuyến bạc.
- Chính và tòng ngũ phẩm: 1 bác sơn bạc, 2 khoản giản bạc, trước và sau đều 1 hoa bạc, 2 cánh chuồn viền bọc bạc, 2 như ý và nhiễu tuyến bạc.
- Chính tòng lục phẩm: phía trước và sau đều có 1 hoa bạc, 2 cánh chuồn viền bọc bạc, 2 như ý và nhiễu tuyến bạc.
Ảnh chụp mặt trước mũ Phốc đầu vuông dành cho quan Võ nhất phẩm đội, mặt sau và cánh mũ mình đã dẫn ở trên khi đồ giải cấu tạo mũ Phốc đầu (Bộ sưu tập cá nhân)
Hiện vật mũ Phốc đầu nhà Nguyễn dành cho quan văn tại bảo tàng lịch sử VN
Hiện vật mũ phốc đầu cũng cho quan văn của nhà Nguyễn (Chiếc này đã mất cánh chuồn)
Ảnh chụp quan võ nhà Nguyễn đội Phốc đầu vuông mặc triều phục
Bào phục
Theo quy chế của nhà Nguyễn trong Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ
Năm 1804:
- Các quan từ nhất phẩm tới tam phẩm mặc mãng bào
- Trong đó nhất phẩm trở lên mặc mãng bào cổ tròn màu tía, từ nhất phẩm trở xuống cho phép mặc theo ý muốn 1 trong 4 màu xanh - lục - lam - đen.
- Quan tứ phẩm mặc Hoa bào
Tới năm 1845 lại sửa lại:
- Quan từ Tam phẩm trở lên mặc mãng bào
- Trong đó quan trên nhất phẩm mặc mãng bào tía
- Chính nhất phẩm mãng bào màu cổ đồng (đỏ nâu hoặc đỏ sậm)
- Tòng nhất phẩm mặc mãng bào màu thiên thanh
- Chính nhị phẩm màu cam bích
- Tòng nhị phẩm màu quan lục (xanh đen hoặc xanh lá đậm)
- Chính tam phẩm áo màu bảo lam
- Tòng tam phẩm màu ngọc lam
- Quan tứ phẩm mặc Giao bào màu quan lục
- Quan ngũ phẩm không mặc mãng hay giao bào mà mặc áo bào bằng trừu thêu hoa màu bảo lam với bổ tử hình vân nhạn (Ngỗng trời).
- Quan Quan lục phẩm mặc áo bào bằng trừu bóng 0 thêu hoa màu bạch lam với Bổ tử Bạch nhàn (gà lôi trắng)
Tới năm Khải Định thứ 5 ( năm 1920) lại ra quy định mới là áo mãng bào đại triều của quan võ chánh và tòng Nhị phẩm đổi thành màu đen, ngoài ra còn quy định thêm các triều phục từ chánh nhị phẩm trở xuống ngũ phẩm nếu đến thời điểm ấy (Năm 1920) mới được ban áo thì chỉ còn 2 màu: văn màu xanh và võ màu đen. Các quan đã được ban áo từ trước đó (trước năm 1920) vẫn giữ nguyên triều phục với các màu theo lệ cũ của mình.
Sở dĩ phải làm thế là vì vào những năm này ngân khố của triều đình nhà Nguyễn thâm hụt nghiêm trọng, kinh tế cũng đang khủng hoảng, làm một bộ thường phục cho quan lại chỉ từ cấp Cửu phẩm thôi cũng đã đắt gấp 4 - 5 lần một bộ trang phục hạng trung của người thường, đây lại là làm triều phục thì càng đắt nên triều đình Khải Định phải giật gấu vá vai ứng phó kiểu đó (Chứ thực tình 0 có ai muốn thay đổi trang phục quan lại - vốn liên quan rất nhiều tới danh dự, sự tôn nghiêm của quốc gia ).
Tuy nhiên thay đổi này không lớn nên mình không nói nhiều.
Về Mãng bào mình đã từng nói trong các bài trước rồi nhưng ở đây xin nhắc lại
Mãng bào ra đời vào khoảng cuối thời Minh được nhà Thanh tiếp thu và sử dụng rộng rãi.
Sở dĩ gọi là Mãng bào vì trên áo thêu hình con Mãng, con Rồng thì chỉ trên áo của vua mới được phép có, theo sách vở thì Mãng cũng là loài họ rồng nhưng chỉ có 4 móng, màu nâu, đỏ hoặc vàng sậm (Rồng trên áo vua màu vàng sáng có 5 móng).
Về đặc trưng của Mãng bào mình cũng đã nói ở các bài trước (Xem bài Lễ phục và triều phục vua Lê Trung Hưng để rõ)
Nhìn chung kiểu dáng mãng bào của nhà Nguyễn vẫn tiếp thu dáng mãng bào thời Lê - Trịnh cộng với quy chế nhà thanh đương thời, tuy nhiên nhà Nguyễn đã có sự sáng tạo độc đáo là thêu lên vạt áo mãng bào tứ linh (long - lân - quy - phụng) trong đó vạt áo trước có 2 lân và 2 quy đối nhau, vì thế nên áo mãng bào còn được vua quan nhà Nguyễn gọi là áo tứ linh, hãy chú ý tới chi tiết này khi quan sát các hình dưới đây.
Mãng bào tía của quan chính nhất phẩm nhà Nguyễn tại A Dơi - Hoằng Hóa - Quảng Trị
Tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân năm 1902, quan văn chính nhất phẩm mặc mãng bào màu cổ đồng, họa tiết, hoa văn, kiểu dáng thì đúng nhưng màu thì họa sĩ tô sai.
Hiện vật áo mãng bào màu cam bích của Nguyễn Tri Phương tại bảo tàng hải quân quốc gia Paris - Pháp (Nguyễn Tri Phương là quan hàng chính nhị phẩm)
Hiện vật áo mãng bào cam bích tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Ảnh chụp quan nhà Nguyễn mặc mãng bào đội phốc đầu, lưu ý ảnh này gốc là ảnh đen trắng nhưng được tô màu lại, nên ta chưa biết màu gốc của áo có phải là xanh đen (cho quan tòng nhị phẩm) hay không?
Ngoài ra trong quy chế cũng có nhắc tới Giao bào, giao bào là áo có dạng gần như mãng bào nhưng thay vì được thêu con Mãng thì lại thêu con Giao Long.
Hiện vật áo Giao Bào Triều Nguyễn cho quan tứ phẩm tại A Dơi - Hướng Hóa - Quảng Trị.
Còn Hoa bào được nói tới là áo bào thêu hoa
Ảnh chụp màu của Albert Kahn năm 1920, trong ảnh là 3 quan chức nhà Nguyễn, vị quan bên trái vừa thi đỗ Thám hoa chưa chính thức được bổ nhiệm vào chức vụ gì, áo ông ấy mặc chính là áo hoa bào (được gia ân cho mặc) và trên mũ Phốc đầu thì cài hoa bạc, vị quan ở giữa là quan nhị phẩm mặc mãng bào xanh lá, vị bên phải là quan tòng tứ phẩm mặc giao bào cùng màu.
Kết cấu chung của 1 bộ triều phục nhà Nguyễn gồm võng cân - đai - áo bào - mũ Phốc đầu - hốt - hia (Tranh vẽ của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa), tranh gốc là tranh không màu, người ta đã tô màu lại nhưng tô sai màu áo bào, vì chỉ có vua mới được mặc màu vàng.
Quan ngũ phẩm nhà Nguyễn mặc triều phục có bổ tử thêu hình Vân nhạn.
Hiện vật áo bào có bổ tử hình Vân nhạn của Nguyễn Tri Phương tại Bảo tàng Quân sự Pháp - Paris
Ngoài ra khác với các thời trước Lễ Phục - Triều phục hay Thường phục của vua quan nhà Nguyễn đều mặc lót trong với Kế y + thường.
Kế y (còn gọi là Xiêm) loại áo kết hợp với thường dùng để mặc trong, tuy nhiên khác với thường ở các thời trước thì thường của áo Kế y được may liền luôn vào thân áo, trên thường thêu vô số hoa văn cổ đồ, bát bảo, linh thú... màu của thường trùng với màu áo ngoài, còn thân áo Kế y thì là dạng không có ổng tay với cổ tròn.
Hiện vật Kế y + thường thời Nguyễn
(Hết phần triều phục)
No comments:
Post a Comment