Thursday, July 14, 2016

Trang phục dân gian thời Lê - Kiểu tóc phần 1

2) Kiểu tóc 

Nếu các thời trước tục cạo trọc đầu và cắt ngắn tóc còn khá phổ biến thì tới thời thuộc Minh đã bị cấm 
Qua một thời gian nữa quan điểm thẩm mỹ của người Việt đã thay đổi hẳn, việc cạo đầu chỉ dành cho các nhà tu hành, kẻ phạm tội, người thường cạo đầu trọc hoặc cắt ngắn thì rất xấu

Trong quyển Xứ Đàng Trong năm 1621 Christophoro Bori viết người Việt: " để tóc xõa và rủ xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là đẹp"

Còn theo Jean Baptise, vào năm 1624 quan điểm của người Việt lúc này cho rằng :" để đầu trọc là một hành động xúc phạm đến danh dự, và chỉ có những kẻ phạm tội hình sự, khi bị bắt mới bị cạo trọc đầu"

Trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) J . Barrow viết :" để tóc ngắn không những bị coi là dấu hiệu của sự thô tục mà còn là biểu thị của sự thoái hóa" 

Trong Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, vào thời Lê Trung Hưng, Alexandre de Rhodes, triều đình ra lệnh :" từ nay dân Đàng Ngoài không kết tóc bọc trong lưới trên đầu như người Tàu, và để tỏ ra độc lập họ bỏ tóc dài tỏa trên vai"

Trong Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam , cha Marini cũng ghi nhận :"dưới thời Bắc thuộc (Thời Minh thuộc) cả đàn ông và phụ nữ đều búi tóc cao nhưng khi thoát khỏi ách đô hộ, họ thả tóc xuống và đi chân trần như là biểu tượng của sự tự do"


Nghĩa là triều đình thời đó cấm dân gian thắt Võng cân như kiểu Trung Quốc thời Minh

Võng cân (網巾 - khăn lưới) là loại khăn vấn đầu ra đời đầu thời Minh được làm bằng the, sa đan mỏng dạng lưới, rồi bọc lên tóc, dạng khăn vấn này khá phổ biến vào thời Minh và được du nhập vào Triều Tiên rồi trở thành trang phục nam giới Triều Tiên dùng rộng rãi mà chúng ta rất quen mắt qua các phim cổ trang Hàn, tại nước ta Võng cân chỉ tới thời Nguyễn mới được dùng nhưng là làm phụ kiện cho Lễ phục , Triều phục của vua quan (Sẽ nói ở phần sau)



Tranh vẽ võng cân thời Minh (trên) và hiện vật Võng cân thời minh (dưới) , kiểu Võng cân này giống mũ đội đầu chỉ chừa một chỗ để hở búi tóc


Đội vào đầu thì nó sẽ trông như trên



Nam diễn viên Hoàng Hiên vai Chu Kỳ Ngọc (Minh Đại Tông) đội Võng Cân trong phim Nữ Y Minh Phi truyện


Minh họa cách đội võng cân của đàn ông thời Minh và Triều Tiên



Hiện vật Võng cân của Triều Tiên, loại võng cân của Triều Tiên chỉ quấn vừa đủ quanh trán (về kiểu Võng cân này hẳn ta đã nhìn thấy rất nhiều trên phim Hàn rồi)


Nam diễn viên Jun Kwang Ryul thắt Võng cân kết hợp đội mũ the trong Phim Thần y Huh Joon, đây là kiểu kết hợp trang phục phổ biến của đàn ông Triều tiên 

Nam diễn viên Hàn quốc Lee Byung Hun đóng vai Quang Hải Quân Lý Hồn đội Võng cân 

Trong Yên hành tạp lục (1713), sứ thần Triều Tiên Han Tae Dong có miêu tả sứ thần nước ta: " Mũ Ô sa, áo cổ tròn, đai thắt, phẩm trật đại để như chế độ nước ta, duy có việc xóa tóc buông ra phía sau rồi đội mũ lên là hiếm thấy mà thôi"

còn trong Yên hành kỷ (1712), sứ thần Triều tiên Seo Ho Su cũng miêu tả:" Quan An Nam búi tóc, buông xõa phần còn lại ra sau, rồi mới đội mũ Ô Sa"

Trong Chi Phong tiên sinh tập, sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang miêu tả sứ thần nước ta là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi đi sứ nhà Minh: "Gặp ngày triều hội vào chầu cửa khuyết hì búi tóc đội mũ, nhất nhất noi theo phục sức của thiên triều, nhưng nom sắc mặt ông có vẻ nhăn nhó khó chịu, vừa về là cởi bỏ ngay. Cả đoàn hai mươi ba người đêu xóa tóc, người cao sang thì sơn răng, kẻ hạ tiện thì mặc áo ngắn đi đất, dù vào mùa đông vẫn đi đất, không xỏ tất dài. Chừng phong tục của họ là vậy"
Mặc dù có thói quen xõa tóc dài rẽ ngôi giữa nhưng khi cần người Việt vẫn búi tóc chuy kế, phụ nữ có thể búi tóc chuy kế sau gáy hoặc sát đỉnh đầu đàn ông thì búi tóc ở gáy thôi

Trong Hải ngoại ký sự, hòa thượng Trung Quốc Thích Đại Sán mô tả người Việt cùng đi với mình :" cởi trần xõa tóc, dùng mảnh vải quấn che phía trước, hoặc cũng có người búi tóc chuy kế để tiện làm lụng, răng đều đen"



Chân dung các giáo sĩ người Việt năm 1688 vẽ bởi Carlo Maratta, có người xõa tóc ngang vai cũng có người búi chuy kế sau gáy


Tranh vẽ Nho sĩ thời Lê Trung Hưng búi tóc chuy kế mặc giao lĩnh từ nhóm Đại việt cổ phong

Tranh vẽ ca nương tại đình Ngoại - Thanh Liệt - Hà Nội

Ngoài ra người thời Lê Sơ - Lê Trung Hưng còn có thói quen đội một khổ vải trùm lên đầu 
Lý Toái Quang từng miêu tả Phùng Khắc Khoan :" tuổi hơn 70, hình dong rất lạ, sơn răng xõa tóc, áo dài tay thụng, dùng cả khổ vải đen phủ lên đầu như kiểu khăn nhà sư, để cho một nửa khổ rủ ra đằng sau quá vai"

Hoàng Thanh chức cống đồ cũng miêu tả người Việt :"Đàn bà giàu sang xõa tóc, không cài trâm, tai đeo kim hoàn (...) Đàn bà dùng khăn phủ đầu, áo dài, vạt dài, đi giày lộ gót"



Tượng Trần Thủ Độ và Trân Thị Dung tại đội vải trên đầu chùa Cầu Đông - Hà Nội 



Tranh vẽ mệnh phụ thời Lê Trung Hưng trong Hoàng Thanh chức cống đồ


Tranh vẽ của lilsuika


Tranh vẽ trong nhóm Đại Việt cổ phong, dựa theo tượng Trần Thủ Độ


Tượng vương phi Ngọc Diệu tại chùa Sùng Nghiêm

1 comment:

  1. Cảm ơn tác giả vì bài viết chi tiết này, mình có bổ sung bài viết Võng cân ở Việt nam xưa, là cái mũ bịt đầu.

    ReplyDelete