Friday, July 8, 2016

Trang phục quan lại thời Lê Trung Hưng - tiện phục.

3) Tiện phục của quan lại thời Lê Trung Hưng 

Khác với các thời khác, quan lại thời Lê Trung Hưng ngay trong tiện phục mặc khi không phải làm việc cung có các quy chế riêng để phân biệt đẳng cấp 
Như đã trình bày ở trên do tính chất phức tạp, phiền hà của cơ cấu chính trị - hành chính đời Lê Trung Hưng nên quan lại có rất nhiều kiểu trang phục khác nhau, có khi dùng lẫn vào nhau.

Ở đây có thể kể ra việc quan lại, sĩ phu thời này vẫn dùng mũ Bình Đính và Đinh Tự, Lương Cân, Yến vĩ mặc lúc bình thường 






Tranh vẽ miêu tả Nho sĩ thời Lê Trung Hưng đội mũ the Bình Đính màu đen, hiện được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam 

Bên cạnh đó còn có một số kiểu trang phục riêng biệt 

3.1) Mũ Trung tĩnh (忠靖冠- Trung tĩnh quan)

Mũ Trung Tĩnh theo quy chế nhà Minh là loại mũ Tiện phục cho quan võ đội khi nhàn hạ

Mũ này làm bằng the, nhung đen khung là sợi sắt, chóp mũ hơi vuông, phần giữa hơi nhô cao, thân mũ trang sức các viền lương, ép bằng sợi vàng, sau mũ có 2 cánh (gọi là nhị sơn), cũng được làm bằng viền vàng. 

Riêng mũ quan tứ phẩm trở xuống không được dùng kim tuyến, đổi dùng sợi tơ nhạt màu , viền lương được quy định tùy phẩm cấp.


Mũ Trung Tĩnh trong "Tam tài đồ hội"



Hiện vật mũ Trung Tĩnh thời Minh

Sự hiện diện của loại mũ này tại nước ta chỉ được thể hiện duy nhất qua bức tượng hoàng tử Lê Đình Tứ tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh


Tượng hoàng tử Lê Đình Tứ đội mũ Trung Tĩnh

3.2) Bao Đính (包頂), Bát tiên (八仙), Bức cân (幅巾)

Trong "Vũ trung tùy bút", Phạm Đình Hổ từng viết:"Ta thưở nhỏ thấy các bậc tiền bối khi nhàn cư thường đội Mã Vĩ Bao Đính, kiểu dáng tròn ,đỉnh phẳng, cao khoảng một thước, cũng có người đội mũ Bát Tiên. Đôi với nhà sĩ thứ thì mũ Bát Tiên và Bức Cân là công phục. Mũ Bát Tiên làm bằng đoạn màu huyền hoặc sa the, đỉnh phẳng, trên may cánh hoa cúc mấy lớp đùm lên nhau, quanh mũ gấp nếp như mũ Trúc quan thời cổ, dải dây buộc ngang trán buông phần thừa ra sau gáy và hai tai có diềm rủ, đại để mô phỏng theo mũ Bao Đính mà làm thêm văn vẻ vậy. Bức Cân dùng Phương Cân gấp lại mà thành, cụ thể xem Gia lễ"
Tác giả còn viết thêm:" Nước ta không có mũ Truy Bố, song Bao Đính cũng có thể chứa tóc hoặc người nước ta có lúc đội Bức Cân"

Qua miêu tả có thể thấy mũ Bát Tiên và mũ Bao Đính thực tế gần như là 1 cũng có dạng thân tròn đỉnh phẳng như Bình Đính tuy nhiên thấp hơn và có mảnh vải buông xuống che sau gáy, thêm nữa mũ này thường cho người già đội

Xin nói luôn trong các trang phục của nước ta chỉ có mũ Đinh Tự và Bát Tiên - Bao Đính - Bức Cân là được kết hợp với mảnh vải buông xuống che gáy, còn lại tất cả các kiểu khăn - mũ khác đều không có, nên đưa lên phim hình như dưới đây là sai


Kiểu mũ Bát Tiên - Bao Đính này còn được dùng rất lâu tới hết thời Nguyễn




Năm 1999, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đền Hai Bà Trưng (Phúc Thọ, Hà Tây cũ), một cụ tiên chỉ trong làng đã tặng Đại tướng 1 đĩa bánh trôi biểu thị lòng kính trọng, chiếc mũ màu đỏ mà cụ tiên chỉ đội chính là mũ Bao Đính. 

Bức ảnh trên do tác giả Nguyễn Đức Bình chụp một hội làng, các cụ già mặc áo lễ phục đỏ và đội mũ Bao Đính. (Ảnh trích từ nhóm "Đình làng Việt" ) 

Về phần Bức Cân thì vốn đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử nước ta, từ thời Trần Nguyễn Phi Khanh đã miêu tả bố vợ mình là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán :"Bức Cân đủng đỉnh leo lên núi" 

Bức Cân là dạng mũ nửa như khăn vấn, dáng giống mũ ni, tuy nhiên 2 bên mang tai để thừa ra 2 dải vải thắt lại sau đầu, cũng như Bao Đính kiểu mũ này được dùng rất lâu ở nước ta tới tận thời Nguyễn, Bức Cân mặc với áo Thâm là kiểu trang phục điển hình của Nho Sĩ ở Triều Tiền và thời Minh.

Tuy nhiên ở nước ta đối tượng dùng Bức Cân 0 chỉ là quan lại, Nho sĩ mà có cả dân thường nữa

Ảnh chụp của Albert Kahn năm 1920, trong ảnh là một kỳ lão tại ngoại thành Hà Nội đội Bức Cân

Họa phẩm Chân dung mẹ tôi của họa sĩ Bùi Văn Nam Sơn vẽ năm 1932, trong tranh mẹ họa sĩ đội Bức Cân


Chân dung Nguyễn Siêu (1717 - 1782) tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam


Chân dung nhà văn nổi tiếng thời Minh Thang Hiển Tổ (1550 - 1616) đội Bức Cân




(Phía Trên) Chân dung nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Triều Tiên Kim Tông Trực - Kim Jong jik - (1431–1492) và (Phía dưới) Học giả Triều tiên Hứa Mục -Heo Mok - (1595-1682) - đội Bức Cân 


Bức Cân phục dựng lại trong phim Hàn 

Tuy nhiên trong ngôn ngữ thường ngày từ xưa và tới tận nay có khi cả 2 loại mũ Bao Đính - Bức Cân cùng được gọi cùng bằng 1 tên hoặc định nghĩa 2 loại mũ lẫn vào nhau. 
(Đã xong trang phục quan lại thời Lê Trung Hưng)

No comments:

Post a Comment