Friday, July 8, 2016

Trang phục thời Lê Trung Hưng - Lễ phục triều phục vua Lê.

Trang phục vua chúa và quan lại thời Lê Trung Hưng 

Năm 1527 nhà Lê Sơ sụp đổ, Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập ra nhà Mạc, năm 1533 tướng Nguyễn Kim tôn phò hậu duệ nhà Lê, bắt đầu công cuộc Trung Hưng, chiến tranh Nam - Bắc triều nổ ra kéo dài hơn 50 năm giữa nhà Lê và nhà Mạc tới năm 1677 cục diện Nam - Bắc triều chấm dứt với việc nhà Lê đánh bại nhà Mạc, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng. Công nghiệp Trung Hưng đã hoàn thành, tuy nhiên thế lực của tập đoàn quân phiệt họ Trịnh từ đó mà lấn át vua Lê, thao túng triều đình, biến các vua Lê thành bù nhìn. Bắt đầu mở ra cục diện vua Lê - Chúa Trịnh kéo dài hơn 200 năm trong lịch sử nước ta.

Các chúa Trịnh lần lượt mở các cơ quan quyền lực tương tự bộ máy triều đình vua Lê, thiết lập cơ chế hành chính - chính trị - nhân sự với mục đích loại bỏ sự tự chủ của vua mà tập trung quyền vào tay chúa, cũng theo đó chế độ áo mũ, phẩm phục của vua chúa, quan lại trở nên phức tạp, rắc rối hơn 

2 mốc thời gian quan trọng trong thời Lê Trung Hưng về trang phục đó là năm 1661 và năm 1721.
Trong 2 năm này đã có 2 cuộc cải cách, đặt định y phục diễn ra, năm 1661 cơ bản vẫn giữ quy chế cũ, sau khi tham tụng Nguyễn Công Hãn đi sứ nhà Thanh tìm hiểu điển chương chế độ vào năm 1718 thì tới năm 1721 bắt đầu học theo nhiều điểm ở quy chế trang phục cuối Minh - đầu Thanh khi đó. 



A) Trang phục vua chúa 

1) Lễ phục - Triều phục 

1.1) Lễ phục - Triều phục của vua Lê 

Như đã viết, thời Lê Trung Hưng vua Lê chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong cung cấm, là biểu tượng cho sự tôn quý, được các chúa Trịnh dùng với mục đích "Giữ chùa thờ Phật mà ăn oản".
Mọi quyền lực thực tế đều ở trong tay chúa Trịnh, chính vì vai trò bị hạ thấp nên rất nhiều quy chế áo mũ cho vua được đặt định thời Lê Sơ tới nay bị phế bỏ, vua Lê không còn có lễ phục Cổn Miện riêng biệt nữa
Thay vào đó quy chế Lễ Phục- Triều phục được thống nhất làm 1, nhất thảy đều dùng mũ xung thiên và hoàng bào 
Trong Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú viết rằng :" Từ thời Trung Hưng về sau, vào các dịp đại lễ, hoàng thượng chỉ đội mũ Xung Thiên. Trộm nghĩ (...) kiểu dáng mũ Xung Thiên so với mũ Phốc Đầu không quá khác biệt. Văn sức không đầy đủ thì thể cách không tôn nghiêm."

Mặc dù Lễ Phục và Triều phục đều dùng mũ Xung Thiên và Hoàng Bào nhưng kiểu cách vẫn có sự khác biệt
Lễ phục của vua Lê trong lễ tế Giao được Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận:" Từ thời Trung Hưng về sau, vào các buổi đại lễ như lên ngôi, tiến tôn, ban chiếu, hoàng thượng đều đội mũ Xung Thiên, mặc Hoàng bào, đeo đai ngọc. Lễ tế Giao mặc áo mũ màu huyền (đen huyền), đến nhà Đại Thứ thay áo, lại đội mũ Xung Thiên mặc hoàng bào đúng như nghi lễ"

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết:" Vua mặc huyền bào, cùng với đoàn Lỗ bộ, Pháp giá, Nhã nhạc từ cửa Đại Hưng đi ra, đến điện Canh Phục ở ngoài đàn tế thì đội mũ Xung Thiên, mặc Hoàng bào, thắt đai ngọc, đến điện Chiêu Sự hành lễ."

Tổng hợp lại Lễ phục của vua Lê mặc trong các ngày Tế Giao, đăng cơ, tiến tôn, ban chiếu sắc...là mũ Xung Thiên và Hoàng bào nhưng có màu đen huyền. 

Về Triều phục của vua Lê như đã nói cũng vẫn sử dụng mũ Xung Thiên với Hoàng Bào màu vàng.

Tuy nhiên quy cách cũng khác
Trước năm 1718, dạng hoàng bào của Vua Lê vẫn là dạng cổ điển kế thừa từ thời Lê Sơ cũng như phỏng theo quy cách Hoàng bào của vua chúa trước, vào năm 1718 Tham Tụng Nguyễn Công Hãn trong chuyến đi sứ Nhà Thanh đã tiện thể tham khảo điển chế của nhà Minh cũng như nhà Thanh đương thời 
Tới năm 1721 triều đình nước ta đã cải cách trang phục theo quy chế cuối Minh - đầu Thanh 

Cụ thể hơn trong hoàng bào của vua Lê thì sẽ có sự thay đổi như sau, mình xin phân tích kĩ dưới đây

Trước năm 1718 vua Lê vẫn sẽ mặc hoàng bào dạng cổ điển như hình dưới


Đây là tranh phục dựng lại Minh Thành Tổ, Hoàng bào mà ông ấy mặc là dạng đặc trưng của Hoàng bào cổ điển có từ thời Đường (Các bạn có thể xem lại phần triều phục của vua thời Lê Sơ trong đó có bức vẽ phục dựng lại triều phục vua Lê với kiểu dáng Long bào cổ điển)
Đặc điểm của loại Hoàng bào này là hoa văn trên áo được thêu theo dạng hoa văn Bàn long (Hoa văn rồng cuốn), hình rồng trên áo sẽ cuộn tròn lại

Hoa văn Bàn long ở trên áo Hoàng bào cổ điển chỉ được thêu trên 2 vai áo và trước ngực áo, cũng có khi có ở dưới vạt áo nữa, các dạng hoa văn khác trên áo sẽ được thêu chìm. 

Sau năm 1721 dạng Hoàng bào vua Lê mặc sẽ như dưới đây


Đây là chiếc Mãng bào của danh tướng Tần Lương Ngọc (1574 -1648) cuối thời Minh
Sở dĩ gọi là Mãng bào (蟒袍) là vì chỉ có vua mới được mặc Long bào, còn những người khác phải mặc Mãng bào, theo sách vở Mãng cũng là một loại rồng nhưng chỉ có 4 móng (Rồng trên áo vua có 5 móng) thường có màu đỏ và nâu, vàng cam (Rồng trên áo vua màu vàng sáng)

Đặc điểm của Mãng bào là hoa văn trên đó không được thêu theo dạng Bàn long mà thêu theo dạng Long Vân đại hội (龍雲大會 - Rồng cuốn trong mây) 
Hoa văn Long Vân đại hội sẽ thể hiện hình rồng to nhỏ uốn lượn chứ không cuốn tròn, ngoài ra hoa văn này còn được thêu nổi trải khắp thân áo, tay áo chứ không chỉ có trên 2 vai và ngực, tổng cộng trên áo vua sẽ được thêu hình 9 - 12 con rồng, các cấp dưới thì ít rồng hơn 
Hoa văn Long Vân đại hội cũng có dạng cuốn tròn (Viên Long) như kiểu dưới đây


Hình lấy từ sách Trang phục triều Lê - Trịnh của họa sĩ Trịnh Quang Vũ 

Tuy nhiên dạng Long vân đại hội cuốn tròn như thế này như đã nói ở trên được bố trí trải ra nhiều chỗ trên thân áo 

Dạng Mãng bào có Long vân đại hội tròn 


Đặc điểm nữa có thể giúp chúng ta phân biệt Mãng bào - Long bào kiểu cuối Minh đầu Thanh với Hoàng bào cổ điển là các dạng áo may theo quy cách mãng bào có thêm 1 hoặc cả 2 dạng hoa văn dưới đây dưới chân áo

- Hoa văn Thủy ba (hoặc còn được gọi là hoa văn sóng nước, hoa văn sóng cuộn...), trong ảnh Mãng bào của Tần Lương Ngọc mình dẫn ở trên hoa văn thủy ba chính là chỗ mình khoanh vuông đỏ ấy.
Cụ thể hơn như hình dưới

Đúng như cái tên dạng hoa văn này mô phỏng hình sóng nước đang cuộn 



- Hoa văn cột thủy: là dạng hoa văn kẻ sọc nhiều màu luôn nằm ngay dưới hoa văn thủy ba (Hình dưới đây là chỗ mình khoanh vuông đỏ)



Tại Trung Quốc dạng hoa văn thủy ba + cột thủy thời Thanh có trên trang phục của cả vua lẫn quan, tại nước ta thời Lê thì chân áo của vua quan chỉ có hoa văn thủy ba chứ không có hoa văn cột thủy
Sang thời Nguyễn thì áo của hoàng tộc có hoa văn cột thủy nhưng các quan thì không có(sẽ nói rõ ở phần trang phục nhà Nguyễn)






Hoa văn Thủy ba + cột thủy hoặc chỉ có thủy ba 0 có cột thủy trên một số dạng áo Mãng bào của thời Minh - Thanh và nước ta 

Dạng thiết kế Hoàng bào theo kiểu cuối Minh - đầu Thanh này còn ảnh hưởng lên trang phục nước ta tới hết thời Nguyễn 


Long bào được khai quật trong mộ vua Lê Dụ Tông năm 1958, hiện được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam 




Áo của tước vương thời Lê - Trịnh mặt ngoài (Trên) và mặt trong (dưới)lấy từ sách Trang phục triều Lê - Trịnh


Áo hẹp tay của thế tử thời Trịnh, ảnh của họa sĩ Trịnh Bách



Tranh vẽ phục dựng triều phục mũ Xung Thiên + Hoàng bào của vua Lê Dụ Tông trong sách Ngàn năm áo mũ


Bản vẽ phục dựng long bào vua Lê Dụ Tông trong bộ phim tài liệu Đi tìm trang phục Việt, bản vẽ khá tốt trừ phần hoa văn rồng hơi lệch


Bản phục dựng với trang phục và người mẫu thật, mặc dù mất 8 tháng trời với 4 người thêu nhưng bộ trang phục phục dựng chỉ mới dừng lại ở mức tạm ổn, về chất liệu lẫn màu thì tốt nhưng hoa văn rồng chưa đúng, tỉ lệ hoa văn cũng chưa hợp lý, to quá so với tổng thể, hoa văn rồng lại được mạ sáng loáng không ăn nhập với màu nền áo 



Tranh vẽ vua Gia Khánh nhà Thanh mặc Long bào

No comments:

Post a Comment