Tuesday, July 19, 2016

Trang phục dân thường thời Nguyễn.

D) Trang phục dân thường thời Nguyễn

Trong phần trang phục dân thường này mình sẽ không nói nhiều về các dạng trang phục cụ thể vì nhìn chung trang phục dân thường thời Nguyễn là dạng trang phục lịch sử quen thuộc nhất với chúng ta, trọng tâm sẽ là lý giải sự xuất hiện của các dạng trang phục thời Nguyễn.



Ngược dòng lịch sử vào năm 1545 Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Kể từ đó các chúa Nguyễn đã ra sức tạo lập cơ đồ riêng độc lập với Đàng Ngoài và nuôi mưu đồ xưng hùng xưng bá.

Nếu chỉ xét riêng về trang phục thì nhìn chung trước cuộc cải cách của chúa Nguyễn Phục Khoát thì trang phục của người Đàng Trong gần như trang phục Đàng Ngoài của chúa Trịnh, đó là nếu chỉ xét các dạng trang phục của người Kinh thuộc khu vưc nông thôn và thành thị Đàng Trong thôi (Xin xem lại phần trang phục dân thường thời Lê Trung Hưng để biết rõ hơn).
Tuy nhiên Đàng Trong là khu vực mới khai phá với tính chất đa sắc tộc hơn hẳn Đàng Ngoài nên các dạng trang phục của người dân Đàng Trong cũng rất đa dạng, có sự ảnh hưởng từ dạng trang phục người Chăm, của người Thượng vùng Tây Nguyên...

Tuy nhiên tới năm 1744 vào đời chúa Nguyễn Phúc Khoát với tâm lý muốn độc lập hoàn toàn tạo một cõi giang sơn riêng biệt, bên cạnh các cải cách về chính trị - xã hội ông cũng tiến hành cải cách trang phục nhằm xóa bỏ "Thói tục hủ lậu" của Đàng Ngoài
Cuộc cải cách trang phục này rất lớn và có tác động sâu sắc tới xã hội Đàng Trong
Trong "Phủ Biên tạp lục" Lê Qúy Đôn có viết:
"Năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Hưng (1744), Hiểu quốc công (Chúa Phúc Khoát) nhân lời sấm truyền của người Nghệ An rằng 8 đời quay về Trung Đô liền nghĩ từ đời Đoan quốc công (Nguyễn Hoàng) đến mình đã vừa đúng tám đời, bèn xưng vương, sai lấy thể chế áo mũ trong sách Tam tài đồ hội làm mô thức lệnh cho các quan võ từ chưởng dinh đến cai đội, quan văn từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo đều tuân theo kiểu dang màu sắc quy định, áo đều dùng đoạn màu, người sang dùng Mãng bào co thêu hoa văn sóng nước, mũ trang sức bằng vàng bạc. Lại lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận Hóa, Quảng Nam) đổi dùng quàn áo Bắc quốc để tỏ sự thay đổi. Đến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay giống áo nam giới thì Bắc quốc không như vậy. Hơn ba mươi năm người ta đều quen, quên hết cả tục cũ."



"Đại Việt sử ký tục biên" lại chép:
" Lại nhân có người truyền đọc câu sấm rằng tám đời quay về trung đô, chúa bèn đổi phong tục, đổi y phục, hạ lệnh cho quan dân hai xứ Thuận Quảng đều ăn mặc theo thể chế nhà Minh, để cả nước cùng đổi mới."

Trong "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hòa Đức viết:
"Năm Mậu Ngọ, Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế nguyên niên, cải định sắc phục, quan phục của văn võ bá quan tham chước các đời Hán Đường đến chế độ Đại Minh và kiểu dáng của chế độ mới (nhà Thanh) như trang phục của các phẩm quan dựa theo hội điển ban hành ngày nay, văn chất đã đủ đầy.Trang phục nhà cửa đồ dùng trong dân gian đại để như chế độ Đại Minh, xóa hết thói tục hủ lậu của Bắc Hà, trở thành một nước áo mũ văn hiến.

"Đại Nam thực lục" viết:
"Chúa cho rằng lời sấm có nói tám đời trở lại trung đô, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới, châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ, văn quan từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng Mãng bào hoặc gấm đoạn theo cấp bậc. "

"Dã sử lược biên Đại Việt quốc triều Nguyễn thực lục" viết:
"Chúa cho rằng lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ thời Thái tổ (Nguyễn Hoàng) tới nay vừa đúng con số ấy, bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây. Trang phục nhà cửa đồ dùng hơi giống thể chế Minh Thanh, thay đổi hết cả thói cũ hủ lậu của Bắc Hà, thay đổi quan phục tham khảo chế độ các triều đại Trung Quốc, chế ra phẩm phục Thường triều, Đại triều, lấy làm mô thức, ban hành trong nước, văn chất đủ vẻ, trở thành nước áo mũ văn vật vậy"

Tổng hợp các ghi chép trên có thể thấy cuộc cải cách trang phục năm 1744 là cuộc cải cách rất lớn có tác động sâu sắc tới đời sống người Đàng Trong với nội dung chủ đạo là bỏ các dạng trang phục của Đàng Ngoài mà thay vào đó là các dạng trang phục phỏng theo chế độ cổ Hán - Đường và Minh - Thanh đương thời đối với qúy tộc hoàng tộc, quan lại. Còn dân gian thì sử dụng các dạng trang phục phỏng theo trang phục cuối Minh - đầu Thanh đương thời, với sự biến dị nhỏ là áo của nữ cũng ngắn và có ống tay áo hẹp như của nam.

Như đã từng nói ở các bài trước, có thời điểm các Nho sĩ nước ta từng chê là trang phục của nhà Minh do bị ảnh hưởng bởi văn hóa Mông cổ đã trở nên kém tao nhã, áo ngắn mà tay áo hẹp đi.

Điều này là sự thật dĩ nhiên không phải tất cả các dạng trang phục nhà Minh đều thành ra thế, tuy nhiên ít nhất trong các dạng trang phục phổ biến của thường dân lối trang phục bó sát, ống tay hẹp hơn so với các đời trước cũng đã xuất hiện rất nhiều.

Sang tới thời Thanh với nguồn gốc là dân tộc du mục thượng võ nên trang phục của họ càng có xu hướng bó sát và hẹp ống tay áo hơn




Với cuộc cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát các dạng trang phục với cổ áo đứng cài khuy, tay và thân áo hẹp hay được gọi là quần chân áo chít với áo có 5 thân gàu khuy, cúc, bắt đầu phổ biến rộng rãi khắp Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của chiếc áo dài Việt Nam ngày nay.



Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước đã kế thừa sự cải cách trang phục của chúa Nguyễn. Tuy nhiên có một điều khá thú vị đó là từ khu vực Huế trở vào Nam người dân đã quen rất nhanh với trang phục mới, thì trái lại ở miền Bắc người ta vẫn giữ các phong tục ăn mặc cũ tới tận thời nhà Nguyễn và thậm chí là thế kỷ 20, ví dụ phụ nữ miền Bắc vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ.

Tới năm 1836 - 1837 vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để.
Theo đó Minh Mạng ra lệnh cấm áo tứ thân, váy đụp, cấm áo giao lĩnh, khố vải, thắt lưng vải, cấm cả các dạng tiện phục thời Lê Trung Hưng như mũ Bình Đính, Mã vĩ, khăn vuông, khăn bọc tóc....

Tuy vậy hết hời Minh Mạng chính sách cải cách trang phục lại không được tiếp tục nữa và các dạng trang phục cố cựu của Bắc Hà vẫn tiếp tục tồn tại nhưng lại có sự tiếp thu sửa đôi với trang phục miền Trung và Nam


Bức ảnh trên chính là ví dụ tiêu biểu cho sự tiếp thu trang phục của phụ nữ Bắc Hà nhưng vẫn bảo lưu thói quen cố cựu, mặc dù không mặc váy đụp hay áo tứ thân nữa mà đã mặc áo dài năm thân nhưng vẫn vấn khăn bọc tóc và không cài khuy áo kín mà để hở một chút yếm ngực.






Tới những năm 1919 trở đi do sự du nhập của văn hóa phương Tây vào nước dẫn tới phong trào Âu hóa, các dạng trang phục cũng bị ảnh hưởng, một số kiểu trang phục cách tân theo lối phương Tây cũng dần được phổ biến bên cạnh các dạng trang phục cũ mà điển hình là chiếc áo dài, áo vest, cắt ngắn tóc, để răng trắng chứ 0 nhuộm đen...


Một đám cưới của người Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20


Thiếu nữ Hà Nội

Đồng thời để tiện đường tham khảo mình xin phép trích đăng lại bài viết LƯỢC SỬ ÁO DÀI của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

Từ lâu, Áo Dài được coi là biểu tượng của văn hóa, vẻ đẹp Việt, một vẻ đẹp vừa thực dụng vừa mơ màng, vừa như muốn giấu kín, nhưng cũng vừa như muốn phô ra tất cả đường cong cơ thể. Đã có không ít nhà văn, nhà thơ, dùng xiết bao lời hay ý đẹp ca tụng Áo Dài, như thể chiếc áo mang trong mình cả ngàn năm lịch sử, chứa đựng cả một bề dày văn hóa mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến.
Tuy nhiên, lịch sử của Áo Dài không dài như người ta hằng tưởng. Năm 1744 là thời điểm kiểu áo cổ đứng cài khuy ra đời. Đây là một cuộc cải cách quan trọng, xuất phát từ tâm lý độc lập của chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhằm phân biệt lãnh thổ, chính trị, văn hóa giữa Đàng Trong của ông với Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh. Trước năm 1744, người Đàng Trong cũng như người Đàng Ngoài, họ đều chia sẻ với nhau những thói quen ăn mặc, đều để tóc dài buông xõa và khoác lên mình chiếc áo giao lĩnh có cổ áo đan chéo trước ngực tương tự những chiếc kimono. Năm 1744, lần đầu tiên, chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định toàn bộ người dân Huế và các vùng đất phía Nam nằm trong sự cai trị - cát cứ của ông phải mặc kiểu áo mới: cổ đứng, cài khuy về bên phải, kết hợp với chiếc quần hai ống, được gợi ý từ kiểu áo của người Trung Hoa. Người ta gọi chúng là Quần chân Áo chít. Kiểu tóc lúc này cũng không còn buông xõa như trước đây, mà thay vào đó, người ta búi chúng lại, rồi dùng vải che tóc, quấn quanh đầu.

Những năm 1820 – 1830, thời vua Minh Mạng triều Nguyễn trị vì, Quần chân Áo chít được phổ biến toàn quốc, kèm theo loạt lệnh cấm đoán những dạng trang phục cũ của người dân Bắc kỳ. “Tháng 8 có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng …” Câu ca dao được lưu lại trong trí nhớ dân gian đã gián tiếp phản ánh thời kỳ phổ biến kiểu dáng Áo Dài cài khuy này. Không ít trí thức trung thành với nhà Lê cũng như nhiều phụ nữ nghèo đã bất chấp những lệnh cấm và lệnh áp đặt trang phục của vua Minh Mạng. Để rồi cuối cùng, một số kiểu trang phục cũ của người Bắc kỳ như áo Tứ thân – váy đụp vẫn được lưu giữ bền chắc, song song với sự phổ biến của kiểu áo mới. Kiểu Áo Dài bấy giờ hẹp tay, vạt buông quá gối, không ôm người, không mang lại bất kỳ cảm giác khêu gợi hay kích thích từ vẻ đẹp của hình thể đàn bà.

Đầu thế kỷ XX, dưới bàn tay của các họa sĩ như Cát Tường, Lê Phổ, Quân chần Áo chít dần được cách tân. Kiểu áo của nữ giới dần ôm sát, chạy dọc theo đường cong cơ thể. Sự thanh thoát, khêu gợi của nó càng trở nên nổi bật, khi người ta sử dụng những chất liệu mềm nhẹ, mỏng mảnh để may áo. Chiếc quần hai ống mặc kèm trước đây màu đen, nâu hoặc đỏ, tía; giờ đây, theo phong trào Âu hóa, đã chuyển sang màu trắng, được phổ biến rộng rãi vào khoảng những năm 1920. Sau sự ra đời của những dạng áo dài cách tân như Áo Dài cổ thuyền (không cổ) vào năm 1961, qua những cuộc trình diễn Áo Dài diễn ra trong Nam ngoài Bắc, một loạt các dạng áo mới ra đời mà mẫu số chung chỉ còn lại hai vạt xẻ dài kéo lên quá eo.

Áo Dài thời Nguyễn, đặc biệt là những chiếc áo trong cung, được thêu, dệt cầu kỳ, với những đường may tinh tế, toát lên vẻ đẹp sang trọng, thâm trầm vốn có của người phương Đông, dường cuốn hút tôi hơn nhiều, so với những kiểu dáng tân thời, mà trong đó có những dạng thiết kế lai căng quá mức. Dù rằng, lịch sử của Áo Dài không so được với kiểu áo Giao lĩnh, Tứ thân, song nó cũng đã mang trong mình cả một câu chuyện dài ngót 300 năm; và cũng đã làm tốn giấy mực của biết bao thế hệ văn nhân Việt Nam.

Kiểu Áo Dài chúng ta thường thấy hiện nay, hòa lẫn những nét kín đáo, trầm mặc với vẻ khêu gợi, mượt mà, ấn chứng sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp vào đời sống Việt Nam truyền thống. Trong khi người Việt Nam hiện đại một mực ca ngợi chiếc áo tân thời, họ đã vô tình lãng quên quá khứ, quên đi kiểu áo trước khi có sự pha trộn màu sắc phương Tây. Và cũng chẳng mấy ai đặt may, mặc lại kiểu dáng áo cổ truyền. 


(Đã hết phần chính về trang phục các thời đại)

No comments:

Post a Comment