Thursday, July 14, 2016

Trang phục hoàng đế thời Nguyễn - triều phục

2) Triều phục

Triều phục của các vua Nguyễn bao gồm mũ Cửu Long Thông Thiên (tức mũ Xung Thiên) và Bào phục

Mũ Cửu Long Thông Thiên
Mũ Cửu Long Thông Thiên là tên gọi mà nhà Nguyễn đặt cho mũ Xung Thiên, về hình dáng đại để gần như dạng mũ Xung Thiên đã nói trong các bài trước dĩ nhiên vẫn có các nét đặc sắc riêng 

Cụ thể theo Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của nhà Nguyễn cho biết:
"Mũ đại triều Cửu Long Thông Thiên đính 31 hình rồng vàng, 30 hình ngọn lửa, phía trước và sau đều có 1 bác sơn, 1 hoành long, hốt bọc pha lê lấp lánh và hốt thông thiên mỗi thứ 2 chiếc; 1 liên đằng, 1 nhiễu tường, 1 đóa hoa hình tròn, 30 đóa mây đều kết bằng chỉ; các hạng ngọc dùng để khảm sức như hỏa tề, kim cang, trân châu gồm 140 hạt, mắt mỗi con rồng đều khảm 1 hạt trân châu nhỏ. Trước khi đội mũ vua thắt Võng cân sức 4 khuyên vàng"

Qua ghi chép trên có thể thấy nhà Nguyễn đã lấy mẫu mũ Xung Thiên trang sức thêm vô số hoa văn vàng bạc, đây cũng là đặc điểm của các loại mũ vua quan nước ta 




Tượng vua Khải Định tại lăng Khải Định, ở đây bức tượng đội mũ Cửu Long Thông Thiên có 2 cánh mũ hơi cong, chưa rõ đây là sự thực hay sự hư cấu trên tượng






Mũ Cửu Long Thông Thiên của vua Khải Định được phục dựng lại trên tư liệu lịch sử (Hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử VN). Đây có thể nói là một trong những hiện vật phục dựng hoàn hảo nhất mà nước ta từng làm được, độ chính xác tới 95 %.


Mũ Cửu Long Thông Thiên trên tranh vẽ vua Đồng Khánh

Bào phục

Dựa theo ghi chép của Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ thì bào phục của vua Nguyễn gồm 
- Áo bào: Làm bằng sa đoạn màu vàng chính sắc, thêu các hình rồng mấy sóng nước lớn nhỏ và 4 chữ Phúc Thọ, áo sa dày thêu hoa tứ hữu (Mai , lan, cúc, trúc) hoặc loại trừu màu hoa xích thêu hoa tứ hữu. 2 cánh phú hậu ở lưng (xem phần triều phục vua chúa thời Lê Trung Hưng) dùng đoạn Bát ti bóng màu bảo lam, mặt trước và sau đều có 2 chữ Vạn thọ, 3 hình rồng, 2 ống tay áo và 2 cánh đều có 1 hình rồng. Các hoa văn san hô, hỏa lựu đều xâu chuỗi bằng các hạt ngọc châu nhỏ. Cổ áo may bằng đoạn Bát ti bóng màu tuyết bạch. Tùy lưu (2 dải thắt nhỏ ở nách tác dụng như cúc áo ) đều thêu hình rồng mây.


- Thường: làm bằng sa mát bóng màu hoa xích, thêu các hình rồng ổ, sóng nước, cổ đồ, bát bảo; phía dưới nối với hình hồi văn, liên đằng, lan can màu hoa xích, gấm đoạn lót lụa màu đỏ, gấm hạng nhất thêu hoa sen thuần vàng màu lục lam. Kế y làm bằng lụa sống.


- Đai: làm bằng đoạn bát ti bóng màu vàng chính sắc may xen với tơ màu xích vũ, đính 18 miếng sừng tê hình mộc dài, bên ngoài bọc vàng khảm 92 hạt trân châu.

- Bít tất: có thân làm bằng tơ Bát ti bóng màu bảo lam, ở giữa là tơ Bát ti bóng màu tuyết bạch, phía dưới là vải tây màu tuyết bạch dát thuần vàng, gấm hạng nhất hoa sen xen lan can kim tuyến, phía trên gắn hộ tất. 


- Hộ tất: là miếng lót đầu gối được buộc vào sau đó mới đi hia len, làm bằng tơ Bát ti bóng màu vàng chính sắc, thêu hình rồng mây, sóng nước, tất cả đều dùng kim tuyến theo kiểu hồi văn, viền gấm hạng nhất thuần vàng màu bảo lam, bên trong lót trừu đỏ bông.

- Hia: có thân hia làm bằng tơ bát ti màu thâm, thêu các hình rồng mây, sóng nước, hoa bằng kim tuyến, bên trong lót tơ bát ti màu đỏ.

Qua mô tả trên có thể thấy Long bào của các vua Nguyễn vẫn tiếp nối kiểu cách Long bào cuối thời Lê Trung Hưng với kiểu may Long Vân đại hội, chân áo trang trí thủy ba và cột thủy (Xin xem lại phần triều phục vua cháu thời Lê Trung Hưng để biết rõ)

Tuy nhiên Long bào triều Nguyễn có số lượng hoa văn và trang trí lớn hơn rất nhiều kể cả so với dạng long bào Long vân đại hội



Tranh vẽ vua Đồng Khánh mặc triều phục, ngực áo thêu 2 chữ Vạn Thọ theo lối chữ triện (Nằm trong bộ sưu tập Báu vật triều Nguyễn )



Hiện vật hia của vua Khải Định (giữ tại Bảo tàng lịch sử VN)


Ảnh chụp vua Khải Định mặc triều phục, cùng các quan đại thần


Ảnh chụp vua Bảo Đại mặc triều phục



Long bào vua Nguyễn (chưa xác định đời vua) ảnh của họa sĩ Trịnh Bách



Hiện vật Long bào vua Nguyễn trưng bày tại bảo tàng lịch sử Việt Nam

Ở đây cần lưu ý thêm một điểm là long bào thời trước là Long bào dạng cổ tròn, bên trong sẽ mặc lót áo giao lĩnh vạt chéo, tuy nhiên tới thời Nguyễn thì áo giao lĩnh không còn tồn tại nên long bào đã chuyển sang dạng cổ đứng cài khuy (thụ lĩnh), nhà Nguyễn đính thêm một lớp lót bằng lụa trắng bên trong cổ áo, rồi để lộ ra phía ngoài để mô phỏng cổ áo giao lĩnh mặc bên trong trước đây.



So sánh quy chế cột thủy - thủy ba giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh

No comments:

Post a Comment