Saturday, July 2, 2016

Trang phục quân đội thời Lý - trang bị nặng.

Trang phục quân đội nước ta 

Trong bài biên khảo lần này mục tiêu mình hướng tới là về trang phục quân đội của nước ta
Phạm vi của biên khảo sẽ là từ thời Lý tới Nguyễn, mặc dù rất muốn làm về thời kỳ xa hơn nhưng do hạn chế về tư liệu và khả năng nên mình chỉ có thể làm trong phạm vi thời gian đó.

Ngoài ra khi đọc bài này mọi người nên loại bỏ một số quan điểm sau thì mới có thể tiếp thu được :
- Việt Nam không có giáp trụ đầy đủ, chỉ cởi trần đóng khố ra trận.
- Nước ta khí hậu quá nóng nên mặc giáp trụ dày là không thể
- Sao bộ giáp này giống Trung Quốc thế.
Do tư liệu về trang phục quân đội nước ta tới nay còn lại rất ít và cũng chưa có nhiều phát hiện mới ,lại thêm một điểm đáng tiếc nữa là trang phục quân đội như ta đều biết là có sự phân biệt rõ giữa loại của lính cấ thấp với tướng lĩnh, lính hạng nặng với hạng nhẹ, giữa các binh chủng với nhau, tuy nhiên tư liệu của nước ta cũng rất ít ghi về điều này nên bài biên khảo về trang phục quân đội của mình sẽ ngắn hơn rất nhiều so với bài biên khảo về trang phục nói chung.



Các tài liệu mình dựa vào để viết
- Ngàn năm áo mũ ( Trần Quang Đức)
- Trang phục triều Lê – Trịnh (Trịnh Quang Vũ)
- Trung Quốc Cổ Đại quân nhung phục sức (Lưu Vĩnh Hoa)
- Họa thuyết Trung Quốc lịch đại giáp trụ
- Cùng các tài liệu lịch sử khác sẽ được nêu cụ thể trong quá trình viết

Như đã từng nói trong bài biên khảo về trang phục thì nước ta và Trung Quốc có sự qua lại tương đồng rất lớn về văn hóa, các triều đại nước ta cũng như Triều Tiên luôn học theo lễ nghi và tiếp thu một phần các dạng trang phục Trung Hoa với sự biến đổi riêng của mình, trang phục và giáp trụ quân đội cũng không ngoại lệ.
Trong phần trình bày mình sẽ trình bày ra 2 hướng gồm trang bị nặng và trang bị nhẹ, các loại giáp nặng và nhẹ 

Trang phục quân đội thời Lý 
1) Trang bị nặng
a) Giáp trụ
Giáp trụ là cách nói gọn của áo giáp và mũ trụ, là trang bị nặng cho quân đội
Mũ trụ 


Xét riêng về thời Lý tính tới bây giờ sử liệu cho ta biết ít nhất có 2 kiểu mũ trụ.


Hình mọi người thấy ở trên là 2 chiếc mũ trụ thời Lý khai quật được tại hoàng thành Thăng Long năm 2009 và được đem ra trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào tháng 10 năm 2014 cho tới nay.

Đối chiếu với mũ trụ thời Tống dưới đây có thể kết luận chiếc mũ này thuộc dạng mũ trụ có vành 


Hình minh họa mũ Trụ thời Tống dựa theo hiện vật mũ Trụ đồng khai quật tại Đàm Thành tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đúc năm 1256. Hiện được trưng bày tại bảo tàng Sơn Đông.



Đây là hình phục dựng kết cấu mũ (Nhìn từ mặt trước và sau) trong cuốn "Họa thuyết Trung quốc lịch đại giáp trụ"
Đồ giải:
1) Ngù lông trên chóp mũ
2) Thân mũ và đinh tán trên thân mũ
3) Phần giáp che gáy và má
4) Dây buộc mũ 


Còn đây là kết câu cắt đôi của chiếc mũ trụ có vành, như hình trên có thể thấy phần giáp che gáy và má là phần tách riêng, sau đó được cố định vào phần thân mũ bọc ngoài bằng đinh tán.

Kiểu mũ có vành này khá phổ biến trong lịch sử không chỉ ở phương Đông mà còn ở Phương Tây, với kết cấu có vành nó giúp người đội tránh được cá phát chém từ trên xuống bảo vệ đầu và mặt vì vành mũ sẽ làm lệch hường vũ khí chém xuống.

Loại mũ trụ thứ 2 cần phải nhắc tới là mũ Đâu Mâu(兜鍪) 

Các ghi chép về mũ Đâu Mâu tại nước ta đã có từ rất sớm dù lẻ tẻ, ví dụ trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép vào năm 485, thứ sử Giao Châu khi đó là Lý Thúc Hiến sai sứ sang nhà Tề xin bãi binh, dâng 20 mũ Đâu Mâu bằng bạc có tua mũ bằng lông công cắm trên chóp mũ.
Năm 549, Triệu Việt Vương cầu khấn thần linh có được mũ Đâu Mâu chóp cắm móng rồng để đánh giặc. 
Năm 571, Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu việt Vương , ‘‘Triệu Việt Vương thảng thốt đốc quân, đội mũ Đâu Mâu đứng chờ ’’.
Năm 1002 Lê Hoàn xuống chiếu cho chế tạo hàng ngàn mũ Đâu Mâu ban cho sáu quân.


Như vậy có thể thấy mũ Đâu Mâu xuất hiện tại nước ta từ rất sớm được sử dụng cùng với các loại mũ trụ khác xuyên suốt trong lịch sử trừ thời nhà Nguyễn .

Mũ được gọi là Đâu Mâu (兜鍪) vì có hình dáng như một loại nồi thời cổ có tên là Mâu, dĩ nhiên mỗi thời, mỗi đối tượng sử dụng…. sẽ có một kiểu dáng khác nhau nhưng người ta vẫn quen gọi là Đâu Mâu.


Loại nồi tên Mâu 

Thời Lý hình dáng mũ Đâu Mâu được xuất hiện trên các pho tượng Kim Cương 


Phiên bản tượng Kim Cương đội mũ Đâu Mâu tại chùa Long Đọi Sơn – Hà Nam hiện được trưng bày tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Như đã nói ở trên kiểu dáng mũ Đâu Mâu rất đa dạng , thêm nữa mũ Đâu Mâu trên bức tượng chùa Đọi theo hướng tả thần thái đại lược ( nếu không nói là đã có sự hư cấu ) chứ không thực tả, cộng với thời gian đã làm mài mòn các họa tiết nên mình không thể chỉ ra cụ thể được kiểu dáng mũ, chỉ có thể lấy hình dáng thiết kế gần tương đồng nhất thôi.


Qua khảo xét thì chiếc mũ có phần giống với mũ Đâu Mâu trên tượng chùa Đọi nhất là một loại mũ Đâu Mâu thời Đường.


Một bức tượng đội loại mũ trên 


Phục dựng lại kết cấu mũ trong sách "Họa thuyết Trung Quốc lịch đại giáp trụ" (Từ trái qua phải, mũ ở mặt trước – mặt sau - nhìn ngang)
Đồ giải:
1) Chỏm mũ, ở đây thay vì có ngù lông nó lại được tạo một phần lồi lên vừa đủ để bọc búi tóc vào 
2) Thân mũ (Mặt trước và sau) 
3) Phần tai mũ được tạo tác uốn cong rồi vểnh lên
4) Dây buộc mũ
Tuy nhiên mũ Đâu Mâu trên tượng chùa Đọi không có phần tai mũ vểnh lên


b)Áo giáp

Theo "Tống sử" ghi chép năm 981 trong chiến tranh với Đại Cồ Việt quân Tống đã thu được hơn 200 chiến thuyền và hàng vạn bộ giáp trụ của quân nhà Tiền Lê.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thì năm 1009, Lê Long Đĩnh đã cho sứ thần sang nhà Tống xin (Có thể là lén mua hoặc trộm vì thời xưa áo giáp quân dụng rất hạn chế được tặng cho nước ngoài ) một số bộ giáp trụ của nhà Tống đương thời về.
Việc tương tự cũng xảy ra vào thời Lý Thái Tổ năm 1014.

Như vậy có thể thây áo giáp của nước ta cũng xuất hiện tương đối sớm, áo giáp thời Đinh - Tiền Lê ngoài các ghi chép ngắn ngủi trên thì hoàn toàn không có gì nữa.
Riêng về áo giáp thời Lý thì ta có thể dựa vào các bức tượng Kim Cương còn lại tới nay để đánh giá.


Phiên bản tượng Kim Cương chùa Long Đọi Sơn tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam


2 Bức tượng Kim Cương nguyên bản tại chùa Long Đọi Sơn 


Bức tượng Kim Cương đã mất đầu (Không rõ nguồn gốc) tại bào tàng Mỹ Thuật Việt Nam 

Qua các bức tượng trên thì có thể thấy áo giáp thời Lý có dạng thiết kế chính là dạng Minh Quang giáp (明光甲) vốn là dạng giáp khá thịnh hành thời Đường – Tống, điều này cũng không có gì lạ khi mà Đại Cồ Việt cũng như Đại Việt trước đó đã chủ động xin giáp Tống đương thời về để học cách làm.

Minh Quang giáp còn được gọi là Kim Cương giáp(金剛甲) . Sở dĩ gọi thế vì dạng giáp này thường được xuất hiện trong miêu tả các Hộ Pháp Kim Cương của Phật giáo trên tranh, tượng bắt đầu từ thời Nam – Bắc triều bên Trung Quốc .
Giáp Minh Quang cũng bắt đầu xuất hiện từ thời Nam – Bắc triều và trở nên phổ biến nhất vào thời Đường.

Đặc điểm nhận dạng của Minh Quang giáp là trước ngực có 2 miếng hộ tâm phiến hình tròn hoặc được tạo tác thành dạng xoắn nước, mây cuốn tròn và các dạn hoa văn khác nhưng tất cả đều cuộn tròn lại ở 2 bên ngực, cầu vai của giáp thường được trang trí hình đầu hổ, sư tử, thú dữ…


Tuy nhiên xét riêng Kim Cương giáp trên tượng thời Lý thì có thể thấy dạn Minh Quang giáp này cũng đã có sự biến dị.

Điểm biến dị đầu tiên đó là bộ Minh Quang giáp trên các pho tượng này có nét rất giống Quyên giáp ( Giáp lụa - 绢甲) đúng như cái tên của nó, bộ giáp này được làm bằng lụa nhồi bên trong là bông, vải, vải gai…và nó hoàn toàn không có tính bảo vệ mà chỉ là một dạng giáp dùng làm Lễ phục trong các hoạt động nghi lễ (Đồng thời cũng là để giữ ấm vào mùa rét).





Bức tranh phục dựng lại giáp trên tượng Kim Cương thời Lý của họa sĩ Trịnh Quang Vũ


Tranh vẽ phục dựng lại Quyên giáp trong "Họa thuyết Trung Quốc lịch đại giáp trụ"
Chú thích
1) Mũ Đâu Mâu
2) Giáp che cổ 
3) Giáp vai
4) Quyên giáp 
5) Dây buộc cố định giáp che cổ
6) Thắt lưng
7) Giáp bọc ống tay
8) Áo bào mặc lót trong
9) Quần mặc trong
10) Giáp bọc ống chân
11) Giày


Phần quyên giáp chính bảo vệ (Nói đúng hơn là che vì quyên giáp bằng lụa nhồi bông , vải thì chả bảo vệ nổi cái gì cả) thân trên và nửa thân dưới cấu tạo như sau (Mặt trước và sau)


1) Phần Quyên giáp chính (mặt trước và sau) 
2) Đai giáp che hông (mặt trước và sau) 
3) Hoa văn thêu trên đai che hông
4) Phần viền giáp bằng lụa mỏng


Các bước mặc quyên giáp (Phần giáp trên) 


Các bước mặc trọn bộ Quyên giáp, người mặc có thể mặc một áo trường bào phủ ngoài nếu thích áo này dùng để trang trí và cách nhiệt vì áo giáp bằng kim loại sẽ dân nhiệt tốt nên cần phải mặc một lớp áo phủ ngoài nữa, tuy nhiên với bộ Quyên giáp này thì áo trường bào chỉ mặc cho đẹp.

Đối chiếu với các bức tượng Kim Cương thời Lý ta có thể thấy sự tương đông về họa tiết hoa văn, không những thế trên tượng còn được điêu khắc rất nhiều tua rua, dây buộc, lục lạc trang trí nên khả năng giáp trên tượng chỉ là giáp lễ phục càng cao.


Tua trang trí, lục lạc và cầu vai hình hổ trên tượng Kim Cương

No comments:

Post a Comment