Wednesday, June 29, 2016

Kỹ nữ thời Trần.

Tài liệu sử dùng:
An Nam chí lược- Lê Tắc (ANCL
Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT)
Khâm Định việt sử thông giám cương mục (CM)
An Nam tức sự (ANTS)

3) Kỹ nữ thời Trần
3.1) Khảo cứu sử liệu 

ANCL
An Nam chí lược phần “Phong tục chí” 
Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối.
...
Đêm nguyên-tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn "Quảng-Chiếu", thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là "chầu đèn".Tháng hai làm một cái nhà, gọi là "Xuân-Đài", các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài.
...
“Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự-dụng, các quan tuỳ tùng đều mặc triều-phục hầu đạo tiền, tế điện Đế-Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối”




ĐVSKTT
“Nhâm Dần, năm thứ 5 (1362), mùa Xuân, tháng Giêng, lệnh cho cho các nhà vương hầu cùng công chúa dâng các trò tạp hý vua xét định trò nào hay thì ban thưởng cho. Trước đây, khi đánh Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý Nguyên Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây Vương Mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô, gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, vỗ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”


#
Đời Hiến Tông có đoạn nhắc về Trần Nhật Duật
ĐVSKTT
“…
Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do Nhật Duật sáng tác.
….
Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế.”

Tiểu sử của Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ (Ở ngôi 1 năm) có ghi chép rằng mẹ ông là ca kỹ
ĐVSKTT
Nhật Lễ là con người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi đóng trò có tên hiệu Vương Mẫu (Trò có tích "Vương Mẫu hiến bàn đào ", Mẹ Nhật lễ đóng vai Vương Mẫu, nên lấy tên làm hiệu), đương có thai, Dục thấy nàng xinh đẹp, nên lấy làm vợ. Đến khi đẻ, Dục nhận làm con mình.

Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi
lại họ là Dương.



CM
Nhà vua mất. Tháng 6. Huệ Từ thái hậu lập Dương Nhật Lễ làm vua.
Trước kia, người phường trò, tên là Dương Khương, diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, vợ hắn đóng vai Tây vương mẫu. Cung Túc vương Nguyên Dục cảm nàng đẹp, lấy làm vợ. Khi ấy nàng đang có mang; rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi. Quần thần bàn rằng: "Cung Định vương Phủ là người rất hiền, nhưng anh không lẽ lại kế tự em". Thái hậu bảo quần thần: "Nguyên Dục là con trưởng ngành đích, không được làm vua, mà lại mất sớm1; vậy Nhật Lễ chẳng phải là con của Nguyên Dục dư?". Bèn đón lập Nhật Lễ. Nhật Lễ đã lên ngôi, truy tôn Nguyên Dục làm hoàng thái bá.

Nhật Lễ, khi đã được làm vua, ngày ngày rượu chè, dâm dật, chăm sự chơi bời, hay bày ra các
trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân



An Nam tức sự của Trần Phu (Sứ thần nhà Nguyên) miêu tả:

“Từng dự yến ở điện Tập Hiền bên nước đó, thấy một bọn con hát trai (nam ưu) và gái (nữ xướng) mỗi bên mười người, đều ngồi dưới đất. Có các thứ đàn như đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn bầu. Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát, thì trước hết ê a [lấy giọng] rồi sau mới có lời. Phía trước điện [Tập Hiền] có biểu diễn các trò đá múa, leo sào (dịch lộng thượng can), múa rối trên đầu gậy (trượng đầu khối lỗi). Lại có người mặc quần gấm nhưng mình lại để trần nhảy nhót hò reo. Đàn bà đi chân không, xòe mười ngón tay ra như những chạc cây để múa, thật xấu xa trăm điều”

Hơn mười người con trai mình đều cởi trần, cánh tay liền nhau, chân giậm xuống đất, vừa xoay vòng xung quanh vừa hát mãi; mỗi hàng khi có một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng vậy. Trong các bài hát của họ, có những khúc như Trang Chu mộng điệp (Trang Chu nằm mộng hóa ra bướm), Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử (Bạch Lạc Thiên mẹ ly biệt con), Vi Sinh ngọc tiêu (Ống tiêu ngọc của Vi Sinh), Đạp ca, Hạo ca vân vân, duy có khúc Thán thời thế (than thời thế) là ảo não nhất, song nghe tản mạn không thể hiểu được. Khi trên điện bày yến tiệc lớn cần có đại nhạc thì nhạc sẽ cử lên ở sau chái nhà phía dưới, cả nhạc cụ lẫn người đều không nom thấy đâu cả, mỗi lần rót rượu, thì [trên điện] hô lớn “Phường nhạc tấu khúc mỗ!”, ở chái nhà phía dưới liền có tiếng “dạ” và cử khúc nhạc đó. Nhạc thì có những khúc gọi là Giáng Hoàng long, gọi là Nhập Hoàng đô, gọi là Yến Dao trì, gọi là Nhất giang phong, âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng gấp rút hơn mà thôi”



3.2) Khảo cứu trong thơ văn
Thơ văn thời Trần cũng như thời Lý nếu còn tồn tại tới nay cũng chỉ là thơ văn ảnh hưởng Phật giáo nên nhắc tới kỹ nữ gần như rất ít 
Mặc dù đã gắng tìm kiếm khắp mọi chỗ nhưng mình chả tìm thấy mấy tác phẩm thơ văn liên quan đến vấn đề 



3.3) Đánh giá
Xét tổng quan sử liệu về kỹ nữ thời Trần chúng ta có thể đưa ra các nhận xét như sau:
Với đặc trưng hành chính- chính trị của triều Trần là các thân vương, quý tộc đều được phong các thái ấp riêng, tùy mức lớn nhỏ, có độ tự trị nhất định, có thể lập một đội quân riêng nên từ đó kéo theo việc họ có thể phát triển một đội ngũ gia kỹ khá đông đảo cũng không có gì quá lạ lẫm
Ví dụ như trong sử liệu mình đưa ra có nhắc tới việc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mê hát xướng, sành âm nhạc, ngày nào trong nhà cũng bày trò hát xướng như vậy có thể thấy Chiêu Văn Vương đã nuôi một lực lượng ca kỹ rất đông đảo


Thời kỳ này cũng đánh dấu một xu hướng trong âm nhạc nói chung và trong cách trình diễn của ca kỹ nói riêng đó là sự ảnh hưởng của vũ đạo âm nhạc Mông Cổ (người Hồ) 
Hẳn nhiên trào lưu này xảy ra trước hết là từ sự giao lưu văn hóa một cách “bắt buộc” giữa nước ta và nhà Nguyên và đồng thời cũng theo hướng tự nguyện nữa 
Triều Trần tiếp nhận một cách hòa bình rất nhiều điển chế lễ nghi của nhà Lý cũng như các di sản văn hóa, xét ra thì nhà Lý ca vũ kỹ chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhạc vũ Chiêm Thành vậy nhà Trần cũng tiếp thu nó bên cạnh luồng ảnh hưởng từ phương Bắc
Sử liệu còn cho ta biết thêm tích trò được ưa thích thời đó, các ca vũ kỹ hay diễn là “Tây Vương Mẫu” phổ biến từ quãng những năm 1280 tới tận cuối đời Trần, ngoài ra cứ như theo An Nam tức sự của Trần Phu thì các tích trò, hình thức biểu diễn của ca vũ kỹ cũng ngày càng đa dạng hơn, có các thứ chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian, có thứ ảnh hưởng từ văn minh hoa Chăm. Đồng thời qua đó cũng cho thấy tổ chức cũng như trình độ của cung kỹ ngày càng cao, "thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật" ,"các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài", " múa hát trăm lối"... có thể khiến ngay sứ thần nhà Nguyên cảm thấy ấn tượng 


Về thái độ của xã hội thời Trần với kỹ nữ thì qua sử liệu ghi chép về Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ có thể cho thấy cái nhìn của xã hội không quá khắt khe và khinh bỉ, bởi mẹ của Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ là ca kỹ mà vẫn được Cung Túc vương Trần Nguyên Dục lấy làm vợ,sinh ra Dương Nhật Lễ vẫn nhận làm con, tới sau này Nhật Lễ được đưa lên làm vua không hề bị kì thị vì dòng dõi của mình
Nếu như ở triều đình sự nhìn nhận đã vậy thì dân gian hẳn còn thoáng hơn
Cũng như thời lý mình không khảo cứu được sử liệu nào dính tới thị kỹ cả nên chỉ có thể kết luận tương tự như thời Lý 




Phụ chú: Kỹ nữ thời thuộc Minh (1407–1427)
Sử liệu không ghi chép chút gì về kỹ nữ thời Hồ, do vương triều này tồn tại rất ngắn, tuy nhiên kỹ nữ dưới thời thuộc Minh thì có được thoáng nhắc tới 

Trong Chấn Trạch tập - quyển 11 – tổng tẩy Mã Lương quân sứ An Nam tự, khi viết về tình hình nước ta dưới thời Minh thuộc có ghi mấy dòng
“ Đông Quan (Thăng Long) có phường Yên Hoa, nhiều tửu lầu, ca kỹ biết hát xướng các điệu bản thổ lẫn các khúc Ức Tần Nga, Tần Thu Hoài, các khúc Tống từ đang thịnh hành…”


Đoạn ghi chép trên rất ngắn nhưng nó cũng cung cấp một thông tin khá hữu ích, đó là ca kỹ (mà cụ thể là thị kỹ) dưới thời thuộc Minh đã phát triển thành hẳn một nơi ăn chơi chuyên dụng, vậy cũng có thể luận ra trước đó hẳn Thăng Long cũng có các phường hát, là nơi chuyên để ăn chơi hát xướng
Thêm nữa các đoạn ghi chép trên tính ra là khoảng năm 1411-1412, các ca kỹ biết hát các điệu bản thổ có thể là các điệu hát vốn có từ trước ở đời Lý – Trần như sứ thần Trần Phu viết trong An nam tức sự
Ngoài ra ca kỹ còn biết trình diễn cả các làn điệu đang thịnh hành khi đó bên nhà Minh, cũng phải nói thêm Ức Tần Nga, Tần Thu Hoài, đặc biệt là Tống từ đều có giai điệu buồn, lời nói tới nỗi niềm thường nhớ của vợ con với người lính xa quê chinh chiến. Điều này chứng tỏ thị kỹ lúc đó cũng rất biết chiều khách vì một lượng lớn khách của họ lúc này là quan quân nhà Minh đang đóng ở nước ta phải xa nhà - tức là chinh phu đúng nghĩa đen và bóng. 




Đáng tiếc các ghi chép về thời Lý - Trần qua sự chiếm đóng của quân Minh đều thất tán gần hết, khảo cứu tư liệu của mình không tìm ra được cái gì khả dĩ hơn cả nên đành chấp nhận viết được ngần này, mình thấy cũng chưa hài lòng 
Nhưng mọi người đừng lo sang tới thời Hậu Lê về sau thì sử liệu vô số 

No comments:

Post a Comment