2.1.3) Đời Lý Thánh Tông
#
ĐVSKTT
Kỷ Dậu11, [Thiên Huống Bảo Tượng] năm thứ 2 [1069], (Từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thần
Vũ năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. trận này vua đánh chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.
Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái
Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước (Địa Lý nay là tỉnh Quảng nam).
(Thời này thì không có ghi chép gì trực tiếp nhắc tới kỹ nữ nhưng đoạn nhắc việc Thánh Tông đi đánh Chiêm thì có thể gián tiếp dính tới kỹ nữ vì số tù bình bắt được tới 5 vạn người, lại bắt được cả vua Chiêm khiến vua Chiêm phải dâng đất và cống vật để chuộc thân thì chắc số phụ nữ Chiêm, các cung kỹ Thánh Tông bắt được cũng không ít, đời trước vua Thái Tông cũng đánh Chiêm Thành chưa bắt được vua Chiêm, thắng cũng chưa gọi là to mà bắt được hơn trăm cung kỹ đời này hẳn còn hơn )
2.1.4) Đời Lý Cao Tông
#
ĐVSKTT
Nhâm Tuất, [Thiên Tư Gia Thuỵ] năm thứ 17 [1202], (Từ tháng 8 về sau là niên hiệu Thiên Gia
Bảo Hựu năm thứ 1; Tống Gia Thái năm thứ 2).
Mùa thu, tháng 8, hoàng thái tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 1.
Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mằt. Tăng phó Nguyễn Thường nói: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong".
ĐVSL
Năm Nhâm Tuất (năm 1202- ND) là năm Thiên Tư Bảo Hựu thứ nhất:
Mùa đông, tháng 10 vua đi chơi ở hành cung Hải Thanh. Ở đấy đêm nào cũng sai nhạc công khảy đàn Bà Lỗ, xướng điệu hát phỏng theo nhạc khúc Chiêm Thành, âm thanh ai oán thảm thiết buồn bả oán hờn. Những kẻ tả hữu nghe đến đều nghẹn ngào rơi lệ. Có Vị tăng phó là Nguyễn Thường thưa:
"Tôi thấy lời tự trong kinh Thi rằng, âm thanh lúc nước loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh hồi nước mất thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân trong cảnh khốn cùng cơ cực. Nay chúa thượng đi tuần du không có chừng mực, chế độ chính trị và việc giáo hoá thì trái ngược, dân chúng ở dưới thì sầu khổ. Sự nguy khốn đến thế thì thật là tột mức, mà ngày nay nghe cái âm thanh ai oán thì không phải đó là cái điềm loạn ly vong quốc hay sao? Tôi muốn xa giá từ đây trở về đừng đi chơi nơi cái cung ấy nữa vậy".
VSTA
Vua sai nhạc công chế ra khúc nhạc, gọi là âm điệu Chiêm Thành, tiếng nghe ai oán, ai nghe cũng phải nhỏ lệ. Thày tăng Nguyễn Thường nói: "Tôi được biết: âm thanh mất nước thì nghe như oán như giận; nay nhà Vua rong chơi vô độ, việc triều đình rối loạn, chế ra âm điệu này, là điềm mất nước đó".
CM
Nhâm Tuất, năm Thiên gia bảo hựu thứ 1 (1202). (Tống, năm Gia Thái thứ 2).
Tháng 8, mùa thu. Đặt ra nhạc khúc Chiêm Thành.
Sai nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là "Chiêm Thành âm". Nhạc khúc này giọng sầu oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt. Nhà sư Nguyễn Thường nói rằng: "Tôi nghe nói: thanh âm của nước loạn thì ai oán giận hờn. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, kỷ cương triều đình rối ren, lòng dân ngày một ly tán. Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người! Đó là triệu chứng bại vong".
(4 Đoạn trên dù không trực tiếp ghi chép gì về kỹ nữ -cụ thể ở đây là ca vũ trong cung vua nhưng xét về tình huống thực tế thì đã chế ra nhạc khúc Chiêm thì phải có ca nương, vũ công đàn ca hát múa, tức là dính tới ca kỹ rồi )
#
ĐVSKTT
Bính Dần, [Trị Bình Long Ứng] năm thứ 2 [1206], (Tống Khai Hy năm thứ 2)
Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, rong chơi vô độ, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui,nghe ngoài thành có trộm cướp thì lờ đi như không biết, tính lại sợ sấm, nghe sấm là kinh hoảng.
ĐVSL
Mùa đông, tháng 10 sửa sang lại chùa Chân Giáo.
Năm đó ở trong cõi đã loạn lạc mà nhà vua lại thích đi chơi, đường xá mắc nghẽn không còn chỗ nào có thể qua được. Nhà vua bèn ở lại nơi hồ Ứng Minh, sai lập riêng hai cái hành cung là Ứng Phong và Hải Thanh. Rồi ngày ngày cùng bọn cung nữ và những cận thần vào xem chơi, mà lấy làm vui thú. Lại dùng thuyền to làm thuyền ngự, thuyền nhỏ thì chia làm hai đội, sai bọn cung nữ và phường trò chèo đi, tả hữu nghiêm trang, cứ y như là vua ngự đi đâu xa vậy. Lại lấy xấp lụa có bao sáp ong ở ngoài cùng với các loài hải vật đem thả chìm vào trong hồ, xong sai người lặn vào trong nước mà lấy rồi cho là vật của Long cung dâng hiến.
2.2) Khảo cứu trong văn thơ đời Lý
Văn thơ đời Lý mình khảo cứu không có nhiều chi tiết nhắc tới kỹ nữ. cái này cũng không lạ vì thơ văn đời Lý còn tới nay rất nhiều trong đó là thơ văn của các nhà tu hành mang âm hưởng Phật giáo nên tìm những chi tiết như trên rất khó
Chỉ có đúng Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên đời Trần là có nhắc tới các huyền sử đời trước, trong đó có chuyện nàng Mỵ Ê là liên quan tới cuộc đánh Chiêm Thành năm 1044 của Lý Thái Tông mà mình đã dẫn
Nội dung của truyện liên quan không nhiều tới nội dung chính nhưng cứ xin đưa ra để bổ sung thông tin
LỊCH ĐẠI ĐẾ VƯƠNG
HIỆP CHÍNH HỰU THIỆN TRINH LIỆT CHÂN MÃNH PHU NHÂN
(Chuyện Mỵ Ê)
Phu Nhân không rõ họ gì, người nước Chiêm Thành, tên là Mỵ Ê, vợ vua Chiêm Thành tên là Sạ Đẩu.
Triều vua Thái Tông nhà Lý, Sạ Đẩu không tu chức cống, thất lễ phiên thần, vua Thái Tông thân hành đem quân nam chinh Sạ Đẩu bày tượng trận ở sông Bố Chính, dần dần bị vương sư đánh phá; Sạ Đẩu tử trận, các cung phi thê thiếp của Sạ Đẩu đều bị bắt sống đem về. Thuyền về đến sông Lý Nhân, vua nghe Phu Nhân có sắc đẹp mới mật sai quan Trung sứ vời Phu Nhân đến chầu Ngự thuyền.
Phu Nhân không giấu được sự phẫn uất, chối từ rằng:
- Vợ hầu mường mọi, y phục xấu xí, ngôn ngữ quê mùa, không giống các bậc phi tần Trung Hoa, nay quốc phá phu vong, chỉ nguyện có chết là thỏa lòng, nếu áp bức hợp loan sợ ô uế long thể.
Rồi Phu Nhân mật lấy tấm chăn quấn kín mình lại (vải tốt của Chiêm Thành), nguyện phó tính mạng cho dòng sông. Một tiếng đánh ầm, hình bóng mỹ nhân đã cuốn theo dòng nước mất tích.
Thái Tông kinh dị, tự hối và cho người cấp cứu nhưng không kịp nữa. Chỗ ấy về sau, mỗi khi đêm vắng sông êm, trăng thanh sao sáng, thường nghe có tiếng đàn bà khóc than, dân trong thôn lấy làm lạ mới làm đơn xin lập đền thờ tự; từ đấy không nghe có tiếng than khóc nữa.
Sau vua Thái Tông ngự đến sông Lý Nhân, thuyền chèo giữa dòng thì trông thấy trên bờ có đền thờ. Vua lấy làm lạ mới hỏi tả hữu; tả hữu đem chuyện Phu nhân tâu cho vua nghe. Vua ngồi lặng thinh hồi lâu mới bảo rằng:
- Không ngờ man nữ lại có bậc u trinh như thế, quả là một hạng gái phi thường, thế nào nó cũng báo Trẫm.
Đêm ấy đã canh ba, trời gần sáng, hốt nhiên nghe một trận gió thơm, khí lạnh buốt người, thấy một người đàn bà vừa lạy vừa khóc rằng:
- Thiếp nghe đạo làm đàn bà là tòng nhất nhi chung, Tiên quốc vương của thiếp tuy chẳng dám cùng Bệ hạ tranh xung nhưng cũng là một bậc nam tử, một phương kỳ tài, thiếp được lam dự khăn lược, ân ái thao vinh: bất hạnh quốc phá phu vong, thiếp đêm ngày thê lương chỉ lo đồ báo, nhưng quần thoa yếu ớt biết tính làm sao? May nhờ hồng ân Bệ hạ sai sứ đưa thiếp xuống tuyền đài cùng chồng hội diện, sở nguyện của thiếp được thỏa mãn rồi còn có linh gì mà dám đến đây đường đột?
Nói đoạn biến mất. Vua thất kinh tỉnh vậy, thời là một giấc chiêm bao. Vua truyền đem lễ vật và rượu đến đền cúng tạ, phong Hiệp Chính Vương. Về sau xa gần cầu đảo, đều có linh ứng.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hiệp Chánh Hựu Thiện Phu Nhân, năm thứ tư thêm hai chữ Trinh Liệt. Năm Hưng Long hai mươi mốt gia phong hai chữ Chân Mãnh, đến nay vẫn còn phụng sự, càng thấy linh ứng vậy.
(Việt điện u linh tập- Lý Tế Xuyên)
2.3) Đánh giá
Xét về mặt tổn quan kỹ nữ thời Lý đã phát triển cao hơn rất nhiều so với trước đây
Triều Lý tiến hành xây dựng cơ chế nhà nước hoàn thiện hơn rất nhiều so với đời trước, các mảng về văn hóa, chính trị, xã hội cũng được mở mang. Thăng Long trở thành đô thị lớn nhất của cả nước, được người nước ta đương thời sánh với thành Trường An, dĩ nhiên đây là lối nói ngoa ngôn nhưng cũng cho thấy so với các triều trước Thăng Long lúc đó đã có quy mô có thể coi là lớn nhất.
Và như ở phần 1 đã viết một khi đô thị phát triển thì nghề kỹ nữ cũng phát triển theo.
Căn cứ theo các ghi chép trên thì ngay đầu thời Lý sự phát triển của nghề ca vũ cũng như những người làm nghề ca vũ đã rất cao cả về chất và lượng tới mức nhà nước phải tiến hành biên chế để quản lý
Càng về sau lực lượng ca vũ, cung kỹ càng được biến chế, tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn vào đời Thánh Tông, Thái Tông (xây cung điện riêng, lập ra cấp bậc)
Về nguồn gốc xuất thân của kỹ nữ thời này qua sử sách ta có thể biết được 1 trong những nguồn là các tù binh Chiêm Thành bị bắt về qua các cuộc chinh phạt của nhà Lý, và hẳn con số này không phải là ít bởi vua Lý phải dựng cung riêng cho phụ nữ Chiêm Thành ở, các vũ khúc, lời ca Chiêm Thành được truyền bá rộng, trở thành “mốt” .
Cũng theo đó thì lực lượng cung kỹ- gia kỹ phục vụ ca múa cũng đã đông đảo và chuyên nghiệp hơn rất nhiều
Ngoài ra ta biết thêm là thời Lý còn có tục gọi các ca vũ- đào nương là "Linh nhi" như theo CM một cái tên khá đáng yêu
Các ghi chép về các đời Cao Tông, Huệ Tông là các vua cuối triều Lý ăn chơi xa xỉ ưa thích nữ nhạc, nữ sắc có thể cho ta thấy rằng đội ngũ cung kỹ cuối thời Lý càng phát triển hơn do được các vua “đầu tư”
Không có ghi chép gì nhiều về thị kỹ thời kỳ này, tuy nhiên nếu xét theo các quy luật thông thường thì cung kỹ - gia kỹ xét về số lượng luôn ít hơn thị kỹ, thêm nữa việc biên chế quản lý của Lý Thái Tổ bắt nguồn từ sự phát sinh ngày càng nhiều của lực lượng ca kỹ trong nước, mà theo nguyên tắc như cuốn “Lịch sử kỹ nữ” đưa ra thì tỉ lệ chung cho kỹ nữ thường là 6 phần dục kỹ, 4 phần ca- vũ kỹ, cộng với việc đã có 1 đô thị là thành Thăng Long.
Nếu các ca- vũ kỹ, đào nương làm nghề hát xướng đã rất đông trong dân gian lẫn cung đình, tư gia thì có thể luận ra thị kỹ mà cụ thể hơn là dục kỹ chắc chắn còn đông hơn.
Thật đáng tiệc là không có sử liệu hay ghi chép thơ văn nào về sự xuất hiện của thị kỹ thời Lý cả
Vậy là xong phần kỹ nữ thời Lý mình đã cố gắng khảo cứu nhiều nhất có thể nhưng chắc chắn vẫn còn sai sót mong mọi người xem và góp ý
No comments:
Post a Comment