Wednesday, June 29, 2016

Dẫn Nhập

Tổng quát lịch sử trang phục Việt Nam dựa trên các sách nghiên cứu chuyên sâu
Đây là bài viết của mình về vấn đề trang phục
Bài viết này dựa trên các tài liệu sau
Sách
- Ngàn năm áo mũ- Trần Quang Đức
- Trang phục Việt Nam qua các triều đại lịch sử - Đoàn Thị Tình
- Trang phục triều Lê Trịnh - Trịnh Quang Vũ
Và:
- Tuyển tập phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt"
Và một số tài liệu khác


Mục đích của loạt bài viết lần này là để phổ cập kiến thức cơ bản nhất về lịch sử trang phục cho những ai chưa năm rõ, còn những cao nhân ở thớt đã nắm rõ rồi thì cũng cúi mong mọi người đừng gạch đá mình quá 

Thêm nữa vì chỉ là tổng quát nên mình không thể đưa hết thông tin trong các sách mình dựa theo lên được mà buộc phải lược bớt thông tin đi nhưng sẽ cố đảm bảo trọn vẹn ý

Giới hạn của bài viết
-Lịch sử Trang phục từ thời Lý những năm 1010 tới thời Nguyễn, mình rất muốn đi xa hơn tới cả thời tiền Bắc thuộc lẫn Đinh - Lê nhưng trong 4 cuốn sách nghiên cứu trang phục trên thì các thời kỳ này cũng được nghiên cứu rất ngắn gọn hoặc 0 có
- Mình sẽ bỏ qua phần trang phục cho quân đội vì cũng như trên phần này đợc nghiên cứu rất ít vì chúng ta thiếu tư liệu  ngay cả cuốn sách nghiên cứu chi tiết nhất là "Ngàn năm áo mũ" cũng cung cấp rất ít thông tin

Mỗi triều đại mình sẽ trình bày theo hướng như kiểu trong cuốn "Ngàn năm áo mũ"
Trang phục vua chúa
Trang phục quan lại
Trang phục dân gian


I) Dẫn nhập 

Để tóm gọn lại quy luật của sự phát triển trang phục mình có thể tóm gọn trong cụm từ "Đại đồng tiểu dị" 
Trang phục cung đình của Việt Nam từ thời kỳ tự chủ tiếp nhận mô hình của Nho giáo luôn cố gắng tuân thủ các quy tắc chặt chẽ của kinh điển Nho giáo nhưng lại có sự biến dị nhất định
Trang phục dân gian thì ổn định hơn với các kiểu trang phục tương đối xuyên suốt 

Sau đây mình xin trích lại đoạn mở đầu trong cuốn "Ngàn năm áo mũ" để minh họa cụ thể hơn cho điều trên

"
Tư tưởng đế vương
Theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, chủ động xây dựng đất nước theo mô hình Trung Hoa, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của các triều đại Trung Quốc, vẫn luôn tạo nên những nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.

Bắt nguồn từ ý thức độc lập, tự chủ, chống chọi đến cùng trước những chính sách cai trị bạo tàn, người Việt vùng đồng bằng sông Hồng có thể coi là một trong những cộng đồng dân cư “làm loạn” nhiều nhất trong thời còn nội thuộc ách thống trị của Trung Quốc(2). Bất kể quan niệm của người phương Bắc cho rằng, trời chỉ có một thiên tử, thiên hạ chỉ có một hoàng đế, song không ít thủ lĩnh nước Việt mỗi khi giành được độc lập, giành quyền làm chủ cõi đất phương Nam đều xưng đế, dù khi chạm trán thiên triều vẫn nhún mình xưng là bề tôi: Lý Bí xưng đế năm 544, Mai Thúc Loan xưng đế năm 713, và năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Đại Thắng Minh hoàng đế… Phan Huy Chú sở dĩ coi nước Việt từ thời Đinh Lê mở nước đối chọi với Trung Hoa(3), bởi tính từ thời điểm này trở đi, vị thế của một đế quốc phong kiến độc lập đã được khẳng định, tư tưởng bá chủ trời Nam đã hết sức sáng rõ như chính lời chúc của Nam Việt Vương Đinh Liễn nhắn gửi trên cột kinh tràng: “Chúc Đại Thắng Minh hoàng đế mãi làm bá chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu…”, “mãi trấn vững trời Nam, thứ là khuông phù cơ nghiệp đế vương.”(4 )Việc ấy cũng như lời nhận xét của quan Trung Quốc thời Minh là Lý Văn Phượng: “Nhật Tôn tự làm đế nước ấy… lấy quốc hiệu Đại Việt. Từ ấy về sau, con cháu họ Lý cho tới họ Trần, Lê, Mạc đều giẫm theo vết cũ, tiếm xưng đế hiệu.”(5)
Việc vua nước Việt xưng đế, đồng nghĩa với việc ông vua Việt được hưởng mọi đặc quyền, nghi lễ dành cho thiên tử, không kém vua Trung Hoa. Thái độ của triều đình phương Bắc đối với việc lấn vượt, “không kiêng dè”(6) của triều đình Đại Việt là nhiều khi đành phải khuất mắt trông coi như ghi nhận của quan nhà Tống, Trịnh Tủng: “Họ Lý từ sau Công Uẩn truyền đến thời Hạo Sảm ngày nay, thảy tám đời. Tên các đời là Nhật, là Càn, là Dương, là Thiên, là Long đều có ý lấn vượt bề trên. Triều đình coi nước ấy xa nơi góc bể, không thèm lần lữa so đo”(7); cũng có khi lại quyết liệt với mưu đồ san bằng nước Việt, mà đỉnh điểm là cuộc xâm lược của nhà Minh trong những năm đầu thế kỷ XV. Việc “không tuân theo chính sóc của triều đình (lịch nhà Minh), tiếm vượt đổi quốc hiệu thành Đại Ngu, xưng láo tôn hiệu, đổi niên hiệu Nguyên Thánh”(8), một trong hai mươi tội ác nhà Minh gán cho cha con họ Hồ, trên thực tế cũng chính là quán lệ của triều đình Đại Việt. Nhưng sau bao công sức đổ vào công cuộc giáo hóa hòng răn dạy An Nam phải ngoan ngoãn nghe lời, ý đồ của nhà Minh vẫn hoàn toàn sụp đổ, bởi với chiến thắng của Lê Lợi hai mươi năm sau, “đất cát lại là đất cát An Nam, nhân dân lại là nhân dân An Nam, phong tục áo mũ lại được đúng như xưa, nền nếp mối giềng lại được sáng như cũ”(9), đặc biệt, theo Lý Văn Phượng, Lê Lợi đã “không nghĩ đến việc thành thật hối lỗi, bề ngoài thần phục, nhưng bên trong lại rắp tâm lấn vượt, tiếm hiệu, cải nguyên để đối chọi ngang hàng với Trung Quốc”.(10 )

Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi vua chúa Việt Nam luôn muốn mình ngang hàng, thậm chí vượt trội so với các vị vua tài đức của Trung Hoa, mà không phải vua chúa của một quốc gia nào khác. Sự so sánh này khi là sự so bì về tài năng như Lý Chiêu Hoàng khen chồng, Trần Cảnh: “Văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được”(11), hay sử thần Vũ Quỳnh khen vua Lê Thánh Tông: “Quy mô xếp đặt, công nghiệp trung hưng, có thể sánh vai với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu, mà khinh hẳn Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tông nhà Đường là hạng dưới vậy”(12); khi là sự so sánh về đức độ như vua Trần Dụ Tông khen vua Trần Thái Tông: “Sáng nghiệp Việt - Đường, hai Thái Tông/ Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong/ Kiến Thành bị giết An Sinh sống/Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng”(13); cũng có khi chỉ đơn giản là sự so sánh về dáng vẻ của đôi tai, con mắt như trường hợp Thượng thư Nguyễn Công Bật ca ngợi vua Lý Nhân Tông: “Mắt trong mà đen trắng rõ ràng, khác con mắt hai ngươi Thuấn đế; tai đẹp mà vành tai dài rộng, chê cái tai ba lỗ Hạ vương”(14)… Việc so bì tài năng đức độ với vua chúa Trung Hoa trên thực tế đã không còn là việc “lưu hành nội bộ” trong triều đình Đại Việt. Triều Tiên vương triều thực lục cho biết, vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Triều Tiên Thái Tông thứ 7 (tức 1407), quan Nội sứ nhà Minh là Trịnh Thăng, hành nhân Phùng Cẩn, mang tờ chiếu bình định An Nam đến Triều Tiên. Tại cung Kyeongbok (Cảnh Phúc), sứ thần tuyên chiếu, sai Jeong Gu (Trịnh Củ) dùng tiếng địa phương, Jo Jeong (Tào Chính) dùng tiếng Hán đọc chiếu. Tờ chiếu có đoạn viết: “Tự cho là thánh triết hơn Tam hoàng, đức cao hơn Ngũ đế; coi Văn vương, Võ vương không đủ làm phép tắc, khinh Chu công, Khổng tử không đủ làm bậc thầy; hủy báng Mạnh Tử là đạo nho (nhà nho ăn trộm), Trình – Chu thạo cóp nhặt. Dối thánh dối trời, không ngôi không thứ. Tiếm quốc hiệu gọi là Đại Ngu, trộm kỷ nguyên gọi là Thiệu Thánh. Xưng là Lưỡng cung hoàng đế, dám dùng nghi lễ triều đình. Chẳng phải chỉ ngang tàng ở cõi xa, mà kỳ thực muốn chống chọi ngang hàng cùng Trung Quốc. ”(15 )

Về mặt lễ nghi trang phục, bởi vậy, cũng không thể thua kém. Do có sự nhận đồng về điển chương, văn hiến của Trung Quốc, trong suốt một thời gian dài, cũng giống như Triều Tiên, triều đình phong kiến Việt Nam đã coi thể chế, văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống. Chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, chủ động xây dựng đất nước theo mô hình Trung Hoa, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của các triều đại Trung Quốc, vẫn luôn tạo nên những nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.



---

1. Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành tháng 6/2013 ; 400 trang, in màu, giá bìa: 250 nghìn đồng.

2. Sự “làm loạn” này được không ít quan lại phương Bắc “đưa tin” về thiên triều như Thái thú Giao Chỉ, Hợp Phố thời Ngô là Tiết Tông (?-243) dâng sớ viết: “(Giao Chỉ) núi rừng hiểm trở, dễ làm loạn, khó trị” (An Nam chí lược. Tr.118; Thứ sử Giao Châu thời Tây Tấn là Đào Hoàng cũng viết: “Dân ở châu này thích gây họa loạn. (An Nam chí lược. Tr.121); đến tận thời Ngũ Đại, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm vẫn phàn nàn với quần thần: “Dân Giao Chỉ ưa làm loạn”. (An Nam chí lược. Tr.279). [Các chú thích nguyên văn bằng tiếng Hán trong sách đã được lược bỏ với sự đồng ý của tác giả Trần Quang Đức].

3. (Việt) [Lịch triều hiến chương] Loại chí - Văn tịch chí - Tự.

4 .Văn khắc Hán Nôm. Tập 1. Tr.64, 66.

5 . (Trung) Việt kiệu thư - Tổng tự - Sử 162. Tr.666.

6. Từ dùng của Chử Nhân Hoạch, người thời Thanh. (Trung) Kiên hồ dư tập - Q.1 - An Nam thí lục. (Nước An Nam cách Trung Quốc mấy ngàn dặm, mang tiếng giữ gìn thanh giáo, nhưng kỳ thực tự làm hoàng đế một nước. Đặt niên hiệu, định quy chế đều không kiêng dè)

7 .(Trung) Trịnh Khai Dương tạp trứ - Q.6 - An Nam kỷ lược. Tr.45.

8. (Trung) Minh thực lục - Thái Tông thực lục - Q.60 - Mục ngày Ất Mùi tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4. Toàn thư chép niên hiệu thời Hồ Quý Ly là Thánh Nguyên.

9. (Việt) Lam Sơn thực lục - Phụ lục lời bình.

10 .(Trung) Việt kiệu thư - Tự. Tr.664.

11. (Việt) [Đại Việt sử ký] Toàn thư. Những lời khen này vốn được viết bởi tay văn thần do Trần Thủ Độ sắp đặt.

12 .(Việt) Toàn thư.

13. (Việt) Toàn thư.

14 .(Việt) Thơ văn Lý Trần. Tập 1. Tr.392.

15. (Triều) Triều Tiên vương triều thực lục – Thái Tông thực lục. Mục ngày 1 tháng 5 năm Thái Tông tứ 7. Toàn thư chép niên hiệu thời Hồ Hán Thương là Thiệu Thành.
Quote:
Quan niệm Hoa Di
Ngoài tư tưởng Đế vương, triều đình phong kiến Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ một quan niệm, vốn tràn ngập trong các kinh điển của Trung Quốc, đó là quan niệm Hoa di.

Trước thế kỷ XIX, khi chưa trở thành danh từ riêng đặc chỉ một chủng tộc hay một quốc gia cụ thể, các khái niệm “Hoa”, “Hạ”, “Trung Quốc”, “Trung Hạ”, “Trung châu”… xuất hiện trong kinh điển thời Xuân Thu (770-476 tr.CN) được dùng để chỉ vùng đất, cũng có khi chỉ những người văn minh ở trung tâm, có lễ giáo, khu biệt với các sắc dân Man, Di, Nhung, Địch ở bốn phía xung quanh. Chiến quốc sách giải thích: “Trung quốc là nơi bậc trí tuệ thông minh cư trú, nơi vạn vật tài nguyên hội tụ, nơi thánh hiền triển khai giáo hóa, nơi nhân nghĩa được ban bố thi hành, nơi thi thư, lễ nhạc được sử dụng, nơi tài nghệ kỳ tuyệt được triển thi, nơi phương xa đến quan ngưỡng, nơi man di phỏng noi theo.”(16)

Từ quan niệm “trung tâm văn minh”, Á thánh của đạo Nho, Mạnh Tử chủ trương “dụng Hạ biến di”, đem văn minh tiên tiến của trung nguyên truyền bá ra xung quanh như công cuộc khai hóa. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận một phần văn hóa Hán, hấp thu tư tưởng Xuân Thu, vua tôi các nước Việt, Triều, Nhật đều tự nhận mình là Trung Quốc, Trung Hạ, tức chủ thể của một nền văn minh có đầy đủ lễ giáo, văn hiến không thua kém các triều đại Hán Đường. Asami Keisai, học giả Nhật Bản thời trung đại từng bàn luận về khái niệm Trung Quốc cho biết: “Nước tôi (chỉ Nhật Bản) biết đạo Xuân Thu thì nước tôi là chủ thể. Nếu coi nước tôi là chủ thể, thì thiên hạ đại nhất thống là đứng ở góc độ nước tôi nhìn sang các nước khác, đó cũng chính là tôn chỉ của Khổng Tử. Không nắm được điều này mà đọc sách Đường thì thành ra những kẻ sùng bái đọc sách Đường (phiếm chỉ sách vở Trung Quốc), đứng từ góc độ nhà Đường trông sang để soi chiếu Nhật Bản, thì luôn xiểm nịnh nhà Đường và riêng dùng khái niệm di rợ để lý giải Nhật Bản, hoàn toàn đi ngược lại tôn chỉ Xuân Thu của Khổng Tử. Khổng Tử mà sinh ra ở Nhật Bản thì sẽ từ Nhật Bản lập ra tôn chỉ Xuân Thu. Hiểu như vậy mới là người giỏi học sách Xuân Thu. Nay đọc Xuân Thu mà gọi Nhật Bản là di rợ, thì không phải do sách Xuân Thu hại đến đạo Nho, mà do kẻ không giỏi đọc Xuân Thu hại sách Xuân Thu vậy.”(17) Như vậy, Keisai quan niệm những người đã học theo kinh điển của Trung Quốc thì không thể bị coi là “man di”, và bản thân những quốc gia có lễ giáo tương tự các triều Hán Đường cũng đều có thể được coi là Hoa Hạ, là Trung Quốc. Hay có thể hiểu một cách đơn giản hơn như học giả người Mỹ, Alexander Barton Woodside về chính khái niệm “Trung quốc” được sử dụng tại Việt Nam vào thời Nguyễn: “Năm 1805, vua Gia Long coi Việt Nam là “vương quốc trung tâm” hay Trung quốc. Thuật ngữ tiếng Hán thông thường được dùng để chỉ Trung Hoa, nhưng trong tay người Việt, nó lại trở thành một khái niệm trừu tượng không có sự tham khảo địa lý nào. Nó biến đổi thành một cụm từ có khả năng được dùng để chỉ bất kỳ vương quốc nào được lập nên trên cơ sở những nguyên tắc kinh điển Trung Hoa, khi nhận thấy xung quanh mình bị bao bọc bởi những kẻ man di không được giáo hóa.”(18 )

Lý giải quan niệm của vua tôi người Việt tự nhận đất Việt là quốc gia văn minh ở trung tâm mới có thể lý giải được việc vua tôi Việt Nam không ít lần sử dụng khái niệm Trung quốc, Trung Hạ, Khu Hạ, Hoa Hạ để chỉ nước mình. Tỉ như:

- Toàn thư viết: “Trước đây, Lý Giác trốn sang Chiêm Thành, nói tình hình hư thực của Trung quốc (1104)”; “Đối với những người hào kiệt Trung quốc, chúng (chỉ nhà Minh) phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc (1417)”; Tháng 8, năm 1426, vua Lê Thái Tổ ban dụ cho cả nước viết: “Giặc còn ở Trung quốc, dân chúng còn chưa yên.”(19)…

- Thiền Tông khóa hư ngữ lục của Trần Thái Tông khi bàn về sự quý báu của thân người có đoạn viết: “Người nay chẳng biết, lại quý vật mà rẻ thân, chẳng hay thân mình có ba điều khó gặp… Một là, trong lục đạo chỉ có người là quý…có kẻ bị đọa xuống đạo Địa ngục, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sinh, không được làm người… Hai là, đã được sinh ra làm người nhưng lại có kẻ sinh ra ở nơi man di, tắm thì chung sông, nằm thì rọ chân, sang hèn ở lẫn, trai gái sống chung, chẳng đượm gió nhân, chẳng nhuần giáo hóa… Ba là, đã được sinh ra ở Trung quốc, nhưng sáu căn không đủ, bốn thể chẳng toàn, mù điếc ngọng câm… tuy ở trong Hoa Hạ cũng hệt như ở ngoài hoang dã. Nay đã làm người, được sinh ra ở Trung quốc, lại có đủ sáu căn, há chẳng quý lắm sao?”(20)

- Đại Việt Lam sơn Dụ lăng bi (soạn năm 1504) đặt tại lăng vua Lê Hiến Tông (di tích Lam Kinh) có đoạn viết: “Trung quốc vững mạnh, ngoại di khiếp hãi.”

- Tờ sớ Mạc Đăng Dung tâu lên vua Lê vào tháng 12 năm 1517 xin giết Lê Quảng Độ, đại ý nói: “Tam cương ngũ thường là rường cột chống đỡ trời đất, là trụ đá đặt yên sinh dân. Nước mà không có cương thường thì tuy là Trung Hạ cũng có khác nào di địch. Người mà không có cương thường thì tuy mặc xiêm áo, cũng có khác nào cầm thú.”(21 )

- Bức thư chúa Trịnh Tráng gửi cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan tại Batavia (nay là Jakarta) năm 1637, có đoạn viết: “Nay ta có ý mong quý quan tiết chế của quý quốc Ô Lan (tức Hà Lan) kết giao với ta. Trên danh nghĩa chân chính, hai nước đùm bọc thương yêu, mãi đến muôn đời. Vậy cắt cử hoặc hai ba tàu, hoặc hai trăm lính thiện xạ đến Trung quốc ta, lấy đó làm tin”.(22)

Phải công tâm nhìn nhận rằng, vua tôi nước Việt trong giai đoạn phong kiến tự chủ đã xây dựng đế chế theo mô thức Trung Hoa, lấy trật tự Hoa di làm nền tảng. Mô thức này coi cõi đất hoàng đế ngự trị là trung tâm thiên hạ, tức Trung quốc, Trung Hạ, Hoa Hạ. Hoàng đế thi hành ơn đức, đồng thời bảo ban, dạy dỗ bốn cõi xung quanh, gọi là vương hóa, hoàng hóa. Các vùng biên viễn, man di ngưỡng mộ ơn đức của thiên triều phải thần phục và đến triều cống; những kẻ chống đối, ương ngạnh phải bị thảo phạt. Việt Nam vừa nằm trong hệ thống những nước triều cống của triều đình Trung Hoa, vừa thiết lập riêng một hệ thống tông chủ - phiên thuộc đối với các vùng đất và quốc gia phương Nam. Tư tưởng này được thể hiện hết sức rõ rệt qua các tờ chiếu, hịch, văn khắc ghi công của vua tôi nướcViệt trước hoặc sau khi thảo phạt các tộc người thiểu số và các nước phương Nam, như:

- Bài hịch đánh động Ma Sa của vua Lý Nhân Tông có đoạn viết: “Trẫm coi triệu họ trong bốn bể đều như con đỏ. Đến cõi xa cũng mến lòng nhân mà quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Nay tên tù trưởng hèn nhà ngươi ngu xuẩn, phụ ước ông cha, quên việc tuế cống.”(23)

- Thái úy Đỗ Anh Vũ nhà Lý nói: “Để bọn man di quấy Hạ là tội của thần… Nay cấm chỉ thói mọi, chắp tay mà chịu mặc hình; trộm cắp dân ven, mất mật mà theo hoàng hóa”.(24)

- Văn khắc Chinh Ai Lao kỷ công ma nhai của Nguyễn Trung Ngạn trên sườn núi Trầm Hương (Nghệ An) năm 1335 có đoạn viết: “Vào thời hoàng đế thứ sáu triều Trần nước Hoàng Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết được trời ban mệnh, giữ đất Trung Hạ, khắp trong bốn bể, đâu cũng thần phục, Ai Lao cỏn con, dám chống vương hóa. Năm Ất Hợi, mùa thu, đế thân chinh soái lĩnh sáu quân, đi tuần miền Tây, thế tử nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La cùng tù trưởng man di Đạo Thần, Quỳ Cầm… đều dâng phương vật, tranh nhau nghênh đón. Mùa đông, đế đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn Mật châu, lệnh cho các tướng và quân lính man di tiến vào nước ấy.”(25)

- Văn khắc trên vách đá vùng Tây Bắc Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn do vua Lê Thái Tổ ngự chế cũng có đoạn với đại ý tương tự: “Bọn di địch là mối họa ở vùng biên cương, từ xưa đã có. Bọn Hung Nô thời Hán, bọn Đột Quyết thời Đường, bọn man mọi Mường Lễ ở phía Tây nước Việt ta cũng vậy. Vừa rồi chính trị Trần Hồ suy vi, bọn phiên thần ngang nhiên cát cứ, Cát Hãn giữ nguyên thói cũ, ỷ địa thế hiểm trở không chịu hối cải. Nay ta đem quân tiến đánh, hai quân thủy bộ cùng tiến, cất một trận là dẹp yên. Nhân viết một bài thơ Đường luật, khắc lên trên đá, để răn những tên tù trưởng man di chống lại vương hóa đời sau.”

- Tờ chiếu đi đánh Ai Lao của vua Lê Thánh Tông tháng 7 năm 1479 cũng viết: “Bậc đế vương đời xưa chế ngự di địch, phục tùng thì cưu mang bằng đức, phản lại thì sấm sét ra oai… Trẫm nay nối công tổ tông, giữ cơ nghiệp lớn, ở đất Trung Hạ, vỗ yên ngoại di… Huống chi, đám dân chốn man rợ này, từ lâu nhiễm mùi hôi tanh của loài chó Lão Qua, muốn khôi phục cương thường cho tục mọi…”(26). Trong tờ chiếu đánh Bồn Man, ông còn viết: “Nước nhà ta tóm thâu bờ cõi, thống ngự Hoa Di”(27).

Tư tưởng Hoa Di được đẩy lên cao độ tại Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản sau khi triều đình phong kiến Trung Hoa do người Hán trị vì bị thay thế bởi “người Hồ” phương Bắc(28), đặc biệt sau khi người Mãn làm chủ Trung Quốc, lập nên nhà Thanh. Lúc này, ba nước đều tự nhận là quốc gia trung tâm, chủ thể lưu giữ nền văn minh cổ phác và miệt thị gốc gác du mục vốn không có lễ giáo của tộc người Mãn Mông. Đó cũng chính là tư tưởng ẩn chứa trong câu phản vấn của Hưng Đạo vương trong Hịch khuyên dụ các tỳ tướng, sau khi ông kể cho tướng lĩnh những câu chuyện đầy nghĩa khí thời Xuân Thu: “Các ngươi là tướng của Trung quốc, phụng sự tù trưởng di rợ mà không thấy căm phẫn?”(29) Về phía Triều Tiên, Tư gián Triệu Quýnh (Zo Kyeong) bày tỏ: “Nước ta xưa nay nổi danh thiên hạ bởi có lễ nghĩa, được gọi với tên Tiểu Trung Hoa, kế thừa liệt thánh, thờ nước lớn một lòng, cung kính cẩn thận, nay phụng sự giặc Hồ, trộm yên tạm bợ, kéo dài chốc lát, làm như vậy đối với tổ tiên thế nào, đối với thiên hạ thế nào, đối với hậu thế thế nào?”(30) Còn Tùng Cung Quan Sơn (Matsumiya Kanzan), binh pháp gia Nhật Bản thì nói: “Trộm nghĩ, nước ta từ xưa văn hiến đã đủ đầy, tự xưng là Trung châu, gọi nước kia (chỉ Trung Quốc) là Tây phiên (phên giậu phía Tây). Sự phân biệt trong ngoài, thể chế rất là nghiêm ngặt.”(31) Diễn biến đến thời Nguyễn, Đại Nam thực lục cũng như không ít sách vở triều Nguyễn dứt khoát gọi người Việt là “Hán nhân”, “Hán dân”(32), gọi người Trung Quốc là “Thanh nhân”, mà “Thanh” như vua Minh Mệnh từng nói, “Tổ tiên là người Mãn… Mãn là di rợ.”(33) Thậm chí, những người phương Tây như người Pháp, người Anh… cũng đều từng bị vua quan nhà Nguyễn gọi thẳng thừng là “Dương di”.

Tư tưởng phân biệt Hoa Di, đúc kết lại có thể thấy rõ nhất qua sự việc Lang trung Lý Văn Phức sang Thanh, thấy người Thanh viết bốn chữ lớn “Việt Di hội quán” lên vách tường, ông đã rất tức giận, trách mắng quan Quán Bạn, nét mặt và giọng nói đều rất dữ, không chịu vào quán, sau đó lệnh hành nhân xé nát chữ Di đi rồi mới vào, đoạn viết Biện Di luận để trần bày. Đại lược nói: “Việt Nam vốn hậu duệ của Thánh đế Thần Nông, là Hoa, chẳng phải Di vậy, đạo học noi theo Khổng Mạnh Trình Chu, pháp độ tuân theo Chu Hán Đường Tống, không vấn tết tóc, để vạt trái như người Di. Đến như vua Thuấn sinh ra ở Chư Phùng, Văn Vương sinh ra ở Kỳ Châu, người đời còn chẳng dám coi vua Thuấn, Văn Vương là Di, huống hồ dám coi ta là Di ư?’”(34 )

BIỆN DI LUẬN
Khắc Trai Lý Văn Phức*
(Chép trong Chu nguyên tạp vịnh thảo**)


Từ xưa, có Trung Hoa thì có di địch, ấy là sự ngăn cách tự nhiên của trời đất. Hoa là Hoa mà di là di, cũng là sự phân biệt nghiêm minh của thánh hiền. Hoa là Hoa, bất kể bản thân văn minh không man mọi, hay không man mọi nhưng lại bị coi là man mọi, đều không thể không biện luận cho rõ ràng được. Xét, di được gọi là di, kinh truyện thánh hiền coi là kẻ khác (không phải giống nòi ta - TQĐ chú) nên Chu công phải thảo phạt. Cớ sao vậy? Có bọn chuyên làm việc bạo ngược không biết lễ nghĩa danh phận, như Kinh Sở thời xưa; cũng lại có bọn đem cả nước ra làm trò dị hợm, bất chấp cương thường đạo nghĩa của người ta, như bọn man di giảo quyệt Đông Tây Dương thời nay vậy; gọi chúng là di là vì cách làm của chúng.

Nước Việt ta là phường ấy chăng? Nước Việt ta không phải chúng vậy, mà là hậu duệ của Viêm Đế, họ Thần Nông, bậc thánh Trung quốc thời cổ vậy. Thời cổ là vùng hoang viễn, chưa khai hóa, bấy giờ coi là di thì được. Nhưng đến thời Chu đã là Việt Thường, coi là thị tộc, các đời sau là Giao Chỉ, coi là quận huyện, chưa bao giờ gọi là di cả. Huống hồ, từ thời Trần, Lê, quốc thổ An Nam ngày càng mở rộng, đến nay đã gấp bội lần, phía Bắc giáp ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung châu; phía Tây khống chế các tộc man di, tiếp với các nước Nam Chưởng, Miến Điện; phía Đông trông ra bể lớn, ôm bọc các đảo; phía Nam cũng chạm tới biển, vòng qua phía Tây Nam sát vách Xiêm La, các thuộc quốc còn lại và tộc man di khác nhau nội phụ đều đủ cả, thật là một đại quốc sừng sững giữa trời đất. (Lúc này) coi là thị tộc cũng không được, coi là quận huyện càng không được, huống hồ có thể coi là di sao? Song ở đây tạm có vài lời nông cạn như vậy đã.

Bàn về phép trị nước thì noi nhị đế tam vương, bàn về đạo thống thì noi lục kinh tứ tử, coi Khổng Mạnh là nhà, coi Chu Trình là cửa. Về học vấn thì coi Tả, Quốc là nguồn, coi Ban, Mã là nhánh. Về văn chương thì thơ phú noi Chiêu Minh, Văn Tuyển, xem Lý, Đỗ là tấm gương; thư họa theo Chu lễ, Lục thư, coi Chung, Vương là mô phạm. Chiêu hiền đãi sĩ, ấy khoa cử Hán Đường vậy. Đai rộng mũ cao, ấy y phục Tống Minh vậy. Cứ vậy mà suy, đại để như thế. Xét, đến vậy mà vẫn gọi là di thì ta cũng chẳng biết thế nào mới là Hoa vậy. Có kẻ nghị luận cao minh nói rằng: Thuấn là người Đông di, Văn vương là người Tây di, trong kinh truyện có nói đến, nhưng di ấy tổn hại gì? Há không biết đó chỉ là lời nói chỉ nơi các ngài sinh ra thôi. Thuấn vẫn là Thuấn, Văn vương vẫn là Văn vương, từ khi có thư tịch đến giờ có thư tịch nào gọi Thuấn là di đế chăng, gọi Văn vương là di vương chăng? Cũng có kẻ luận bàn thô thiển rằng: Chắc là do tiếng nói, trang phục khác lạ nên coi là di đó thôi. Như vậy càng không đúng. Cứ nói chuyện trước mắt, như một tỉnh Phúc Kiến, là nơi còn di giáo của thày Chu Khảo Đình, riêng ở vùng Tuyền Chương, người ở đây thường đội khăn thay mũ, vậy là trang phục khác lạ chăng, có thể vì thế mà coi là di chăng? Lại như mười tám tỉnh ngôn ngữ khác nhau, tiếng nhà quê và tiếng nhà quan cũng khác nhau, vậy là tiếng nói khác lạ chăng, có thể vì thế mà coi là di chăng?

Để thấu hiểu cái nghĩa Hoa di, nên tìm trong văn chương lễ nghĩa, vậy thì lời luận biện của tôi cũng chẳng cần viết ra, tôi đâu có ưa biện luận, là do tôi bất đắc dĩ mà thôi.
Lời bàn luận này sau khi viết ra, đến tay Tôn tổng đốc, ông tuyên bố tại chỗ: Quý sứ lần này đến đây, bản đốc tự dùng lễ sứ thần để đối đãi, không dám coi là ngoại di nữa. Sau đó sĩ phu Trung châu nối nhau sao chép, có nhiều người viết thêm lời bình phẩm ngợi ca. Có ông Lý Chấn Nhân là Nho học Huấn đạo, tính cực khẳng khái, sau khi thấy áo mũ nước ta liền ném mũ của mình xuống đất nói rằng: Ta là di rồi, sao lại coi người ta là di đây?

Dịch nghĩa theo tài liệu ký hiệu VHv.1146 Thư viện Hán Nôm

* Sinh năm 1785, mất năm 1849, danh thần triều Nguyễn, đồng thời là nhà thơ

** Bản thảo những bài thơ tạp vinh ở đất Chu Nguyên

16 (Trung) Chiến quốc sách - Triệu sách.

17 (Nhật) Trung Quốc biện. Dẫn theo Đài Loan Đông Á văn minh nghiên cứu học khan. Q.3. Kỳ 2. Tr.96.

18 Vietnam and the Chinese model. Tr.18-19.

19 (Việt) Toàn thư. Tập IV.Tr.135. Tờ 14b; Tr.307. Tờ 37b. Bản dịch Việt văn hiện nay chỉ dịch là nước ta, trong nước.

20 (Việt) Thiền Tông khóa hư ngữ lục - Quyển thượng - Phổ khuyến Bồ Đề tâm.

21 (Việt) Toàn thư.

22 (Nhật) Iwao Seiichi一 “Về bức thư An Nam gửi cho Hà Lan xin Hải quân Hà Lan giúp đỡ”. Dẫn theo Đông phương học (To ho gaku). Kỳ 23. Tr.109-118. Nội dung của lá thư này hiện nay thường được biết đến qua bản dịch Anh ngữ của phiên dịch người Nhật đương thời, nội dung bản dịch đã đánh mất cụm từ ‘Trung quốc’.

23 (Việt) Toàn thư.

24 (Việt) Cự Việt Quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tự. Dẫn theo Thơ văn Lý Trần. Tập 1. Tr.464.

25 (Việt) Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Tập 2. Tr.287. Chinh Ai Lao kỷ công ma nhai.

26 (Việt) Toàn thư. Tập IV. Tr.425, tờ 20a, 21a.

27 (Việt) Toàn thư. Tập IV. Tr.424. Tờ 17.b.

28 Tình hình bán đảo Triều Tiên có chút khác biệt. Triều Cao Ly không bài xích nhà Nguyên, chỉ có triều Triều Tiên về sau mới có thái độ miệt thị nhà Thanh, và tự coi là chủ thể kế thừa tính chính thống của nhà Minh cũng như văn hóa Minh.

29 (Việt) Toàn thư. Tập IV. Tr.206. Tờ 13a.

30 (Hàn) Triều Tiên Nhân Tổ thực lục - Q.32 - Mục Tháng 2 năm Bính Tý. Tr.8.

31 (Nhật) Tùng Cung Quan Sơn tập. Dẫn theo Tòng chu biên khán Trung Quốc. Tr.137.

32 Nội dung chi tiết của cách gọi này, bạn đọc có thể tham khảo cuốn Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng của Gs.Ts Choi Byung Wook. Tr.216-219.

33 (Việt) Đại Nam thực lục. Tập 2. Tr.270.

34 (Việt) Quốc sử di biên – Tập hạ. Mục ngày 10 tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 1 (1841). Lý Văn Phức làm chánh sứ đi sứ sang Yên Kinh năm 1841.
Quan niệm Hoa Di (tiếp theo và hết)
Xuất phát từ tư tưởng Hoa Di, quy chế trang phục trong cung đình Việt Nam phần lớn được tham khảo từ điển chương, chế độ của triều đình Trung Quốc, một trong những thước đo văn minh đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến bấy giờ.


Kể từ năm 939, Ngô Quyền sau khi xưng vương đã lần đầu tiên cho mô phỏng quy chế áo mão của nhà Đường thể hiện qua việc lấy màu sắc trang phục làm tiêu chí phân biệt phẩm trật của bá quan. Tiếp đến, thời Tiền Lê tới thời Lý đều lần lượt mô phỏng quy chế áo mão của nhà Tống, đánh dấu bởi các sự kiện áp dụng chế độ Triều phục năm 1006 và chế độ Công phục năm 1059. Riêng với triều đình nhà Hồ, từ sau cải cách thời Trần Thuận Tông năm 1396 mà thực chất do Hồ Quý Ly thao túng, triều phục của văn võ bá quan lại quay về mô phỏng theo chế độ trang phục của nhà Hán. Các triều Lê, Nguyễn về sau chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ trang phục của nhà Minh, bắt nguồn từ cải cách trang phục thời vua Lê Thái Tông năm 1437, được đẩy mạnh vào khoảng những năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông, và hoàn bị vào năm 1500 thời vua Lê Hiến Tông. Tuy nhiên, đối với với trang phục của các triều đại Nguyên, Thanh, vua chúa nước Việt thường tỏ ra bài bác, khinh thị. Như với trang phục của nhà Nguyên, vua Trần Minh Tông từng nói rõ: “Ngôn ngữ (chỉ ngôn ngữ Hán quan phương) không khác nhau nhiều, nhưng áo mũ không thể giống nhau được.”(35) Nguyễn Trãi nhận xét và khuyến cáo: “Người Ngô lâu ngày nhiễm thói tục của người Nguyên, tóc xõa, răng trắng, áo ngắn mà tay áo dài, mũ xiêm lòe loẹt, lớp lớp như lá vậy… không nên noi theo để làm loạn quốc tục.”(36) Còn trang phục của triều đình Mãn Thanh, năm 1696, sử thần nhà Lê cho biết “người Thanh làm chủ Trung Quốc, gióc tóc, mặc áo ngắn, noi theo thói cũ Mãn Châu. Áo mũ lễ tục Tống Minh vì vậy mất sạch.”37 Bùi Văn Dị nhận định: “Triều Thanh hưởng thái bình lâu ngày [...] riêng chế độ áo mũ không đổi. Tục Mãn suy cho cùng thiếu trang nhã [...] Từ khi triều Thanh làm chủ Trung Quốc, bốn phương phải cạo tóc, đổi y phục. Hai trăm năm trở lại đây, tai mắt người ta đã quen cả [...] không còn nhận ra kiểu dáng Hoa Hạ ngày xưa nữa. Sứ nước ta tới Yên Kinh, đội mặc phẩm phục, có kẻ nhận ra trộm ngưỡng mộ Hoa phong. Nhưng bọn không có trí tuệ, phần nhiều túm tụm cười đùa, thấy mũ Phốc Đầu, Võng cân, đai áo bèn chỉ trỏ cho là kiểu cách tuồng chèo. Tục rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy”(38). Tác giả của Nam sử tư ký đầu thời Nguyễn cũng chép: “Thanh Thế tổ lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Trị, thống nhất thiên hạ, thay đổi y phục Trung Quốc… Nước Nam ta y phục vẫn như xưa. Sau này sứ nước ta đến Yên Kinh, phụ lão Trung Quốc thấy y phục của sứ ta đều rơi nước mắt.”(39) Năm 1830, chính vua Minh Mệnh nói rõ: “Trẫm xem sách Hội điển của nước Thanh… áo mũ triều phục đều theo thói tục man di, không phải chế độ phục sức của cổ nhân, như thế lại càng sai trái, không thể làm khuôn phép.”(40)

Đối với trang phục dân gian, trong mắt sĩ phu người Việt, trang phục của người dân các nước phương Nam và các sắc dân thiểu số đều bị coi là quê kệch, thô lậu. Như Dương Văn An nhận xét vùng Tư Vinh (Huế): “Có người nói tiếng Huế, mặc váy Chàm, thói ấy rất quê và thô bỉ”, trong khi dân vùng Ô châu có cách ăn vận như Trung Hoa thì được coi là không có gì lạ thường (41). Ngô Thì Nhậm từng có lời thơ thể hiện niềm tự hào là bậc kỳ lão đất Việt, vận áo mão chỉnh tề, thắt dây thao, đeo ngọc bội, rất văn minh, rất “Hoa”. Ông viết:

“Mở mang có trước sau,
Đâu riêng Trung Quốc có…
May sinh ở nước Nam,
Đường hoàng thân áo mão,
Chớ bảo ta chẳng Hoa,
Việt Thường có kỳ lão.”(42 )

Đặc biệt, khác với các triều đại Lý - Trần coi Tam giáo đồng tôn mà trong đó đạo Phật có vị thế áp đảo, các triều đại Lê - Nguyễn về sau với các chính sách độc tôn Nho thuật đã có những cái nhìn khắt khe, khinh thị đối với phong tục của các sắc dân phương Nam. Tư tưởng Hoa Di lúc này trở nên tiêu cực, và là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy triều đình Lê, Nguyễn thực thi các chính sách đồng hóa văn hóa, “dụng Hạ biến Di”. Kể từ việc vua Lê Thánh Tông thảo phạt Bồn Man, Chiêm Thành được mô tả: “Bồn Man bướng nghe giáo hóa thì hạ lệnh cày xới gốc rễ của chúng, Sơn Man quấy rối vùng biên thì cất quân quét sạch sào huyệt của chúng… bắt dân chúng mặc áo xiêm của ta, khiến đất chúng thành quận huyện của ta” (43); đến những sắc lệnh cải đổi thói tục của dân man theo thuần phong của người Việt diễn ra liên tiếp dưới thời vua Minh Mệnh, mà một trong những nội dung quan trọng chính là việc hướng người man đổi mặc quần áo của người Việt. Như năm 1829, vua Minh Mệnh xuống dụ ban tên họ cho các thủ lĩnh người man có đoạn viết: “Từ trước đến nay tục mọi noi nhau, chỉ theo thế thứ, chẳng biết ở họ nào mà ra. Ôi sửa đổi phong tục ắt phải dần dần, mà đấng vương giả dạy bảo nào có phân biệt. Lần này bọn thổ ty ấy đã theo về phong hóa, mặc xiêm áo của ta, nhưng nếu cứ để cho có tên mà không có họ, há phải là ý của trẫm coi mọi người như nhau? Nay gia ơn chuẩn cho Thổ tri châu châu Mường Vang tên Kiềm, cho họ là Lâm; thổ tri châu châu Na Bôn tên Xế cho họ là Thạch… rồi ghi theo họ mới ban cho, viết đổi lại sắc mệnh mỗi người một đạo, phát giao cho bọn ấy nhận lấy, đời đời tuân phụng, để phân rõ họ hàng, theo luân thường, đều đi đến đạo lớn, khiến ngày càng nhuốm gội Hoa phong.” (44). Năm 1834 người Thủy Xá sai sứ đến cống, vua Minh Mệnh có lời dụ rằng:“Thánh nhân dùng Hạ biến Di, nên lấy lễ nghĩa dạy bảo, khiến dần dần đổi thành thói Hoa Hạ. Bèn thưởng cho sứ thần ấy cả bộ áo mũ trước kỳ hạn. Hôm trẫm ngự ở điện, đã chuẩn cho sứ thần ấy vào triều cống, tận mắt thấy bọn họ áo mũ chỉnh tề, quỳ lạy thung dung, đều hợp lễ tiết, trẫm rất lấy làm khen ngợi… Lại thưởng cho chánh sứ lấy họ là Lĩnh, vẫn dùng tên cũ là Duyên, phó sứ họ là Kiệu vẫn dùng tên cũ là Tài, ngõ hầu biết được họ tên, ngày một nhuốm gội Hoa phong...” (45) Ông đồng thời còn nói:“Thánh nhân dùng Hạ biến Di, có thể đem lễ nghĩa ra dạy bảo thì loài có mai vảy cũng có thể thay đổi mà biết mặc xiêm áo.” (46) Tháng 12 năm 1835, ông lại tiếp tục có lời dụ: “Đất man đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân man cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo Hán phong… Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập Hán dân, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói Hán âm. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo Hán tục. Ngoài ra, hễ có điều gì phải đổi bỏ thói hủ lậu mà làm cho giản tiện dễ dàng thì cũng tùy cơ chỉ bảo. Thông cảm họ dẫu là man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng… Hun đúc thấm nhuần, dùng Hạ biến Di, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục.”(47)

Như vậy có thể thấy, tư tưởng Đế vương và quan niệm Hoa di đã có những ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc lựa chọn trang phục cũng như đến văn hóa cung đình Việt Nam. Sau khi văn hiến, phong tục Trung Hoa đã thâm nhập và hòa quyện với các yếu tố bản địa trở thành một phần của văn hóa bản địa, thì từ việc sử dụng ngôn ngữ Hán trong quan phương đến việc áp dụng lề lối, lễ nghi cổ điển của Trung Quốc vào cuộc sống cung đình, triều đình Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều không còn khái niệm “vay mượn” hay “bắt chước”. Đối với các quốc gia này, văn minh Trung Hoa đã sớm trở thành một sản phẩm chung, một kho dữ liệu mà họ có quyền sử dụng, và có quyền từ đó tạo cho mình một nền văn hiến, điển chương không thua kém Trung Quốc (48).

---

35 (Việt) Thơ văn Lý Trần. Tập 2. Tr.740.

36 (Việt) Ức Trai di tập - Q.6 - Dư địa chí.

37 (Việt) Cương mục.

38 (Việt) Du hiên tùng bút.

39 (Việt) Nam sử tư ký - Lê Trung Hưng - Chân Tông Thuận hoàng đế. Người Hán (Hoa) tại Trung Quốc thời Thuận Trị rớt nước mắt khi nhìn thấy áo mũ của sứ thần Việt Nam là bởi trang phục của bá quan Việt Nam đương thời vẫn gìn giữ quy chế của nhà Minh. Chúng ta bắt gặp câu chuyện tương tự trong ghi chép của các sứ thần Triều Tiên cùng thời, như sứ thần Trịnh Thái Hòa (Jeong Tae Hwa) cho biết vào năm 1649 thời Thuận Trị, “Thượng Thư họ Tào, người Hán, mở tiệc, thấy đai mũ của tôi, liền dàn dụa nước mắt”; năm 1656 thời Thuận Trị, Lân Bình đại quân Lý Kháp trên đường tới Yên Kinh mô tả “người trên phố thấy y phục của sứ ta liền ngậm ngùi nhớ đến áo mũ triều Hán, đến nỗi có người rơi nước mắt, người ấy ắt là người Hán, thật đáng thương xót”, mồng 3 tháng 10, sau khi vào triều kiến vua Thuận Trị, ông cũng phát hiện “người Hoa thấy áo mũ nước Đông phương ta, không ai không rưng rưng nước mắt” (Tham khảo Cát Triệu Quang. Đại Minh y quan kim hà tại, đăng trong Sử học nguyệt san. Kỳ 10. 2005).

40 (Việt) Đại Nam thực lục - Q.70.

41 (Việt) Ô châu cận lục. Tr.252.

42 (Việt) Tuyển tập Ngô gia văn phái. Tập 1. Tr.614. Hoãn Nhĩ ngâm.

43 (Việt) Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi. Dẫn theo Các thể văn chữ Hán Việt Nam. Tr.305.

44 (Việt) Hội điển – Q.134 – Nhu viễn – Ban cấp sắc mệnh.

45 (Việt) Hội điển – Q.133 – Nhu viễn – Tứ dữ thuộc quốc.

46 (Việt) Đại Nam thực lục - Chính biên - Đệ nhị kỷ - Q.132. Tr.36 (A.2772/ 27).

47 (Việt) Đại Nam thực lục - Chính biên - Đệ nhị kỷ - Q.163. Tr.11 (A.2772/ 32).

48 (Việt) Toàn Việt thi lục - Lệ ngôn

No comments:

Post a Comment